Đến thăm trang trại nuôi cá quả của gia đình anh Nguyễn Văn Tưởng ở thôn Phương Lạn 6, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì với một diện tích đất, ao không lớn, chỉ trên 2000m2 cả bờ và nhà ở nhưng hàng năm đã cho gia đình anh thu nhập trên 60 triệu đồng từ nghề nuôi cá quả (một vật nuôi đang còn là mới lạ với người dân Bắc Giang).
“Trăm nghe không bằng một thấy”, chúng tôi đã đến tận nơi để tham quan và tìm hiểu. Thông qua cuộc trao đổi cởi mở với vợ chồng anh Tưởng càng thấy thấm thía một điều rằng: Để tạo dựng được cuộc sống ổn định, có mức sinh hoạt khá đối với người nông dân trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay; ngoài đức tính cần cù, chịu khó còn rất cần đến sự kiên trì, bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi và biết vận dụng các biện pháp khoa hoc kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất để vượt lên số phận của mình, mang lại nguồn thu nhập chính đáng.
Mười tám tuổi vào phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Tháng 8 năm 1987, sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyễn văn Tưởng được ra quân trở về địa phương. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cộng với bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, anh luôn mong muốn được tìm hiểu những tiến bộ KHKT mới để áp dụng vào sản xuất và anh đã xin phép gia đình vào miền Nam để học nghề và kiếm sống. Tháng 9 năm 1987, Nguyễn văn Tưởng đã đến Bù Đăng, Bù Đốp thuộc tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Phước) để làm thuê, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và cuối cùng anh dừng chân tại ấp 3, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tại đây anh đã lên duyên với cô gái vùng sông nước miền Tây Nam Bộ. Vẫn là những năm tháng đầy gian truân, cực nhọc, bươn chải làm tất cả mọi công việc có thể như làm thuê, làm mướn, buôn bán vặt, chăn nuôi gà vịt... để bảo đảm cuộc sống cho gia đình. Cũng trong quá trình lao động anh đã học hỏi được từ bà con nông dân vùng sông nước nhiều kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, cá lóc bông. Khi đã có một chút kiến thức nuôi trồng thủy sản (NTTS), Nguyễn Văn Tưởng đã mạnh dạn vay anh em, bạn bè 17 cây vàng để làm vốn thầu đất đào ao nuôi cá lóc, nuôi tôm càng xanh tại làng Tân Thuận Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Năm 2004, Sau hơn 10 năm vất vả nơi đất khách quê người, anh đã có một chút vốn kha khá và anh quyết định đưa cả gia đình ra Bắc sinh sống. Trở về quê, anh Tưởng quyết định phát huy những kinh nghiệm thu được về NTTS để áp dụng vào sản xuất thuỷ sản trên mảnh đất Lục Nam. Năm 2005, anh cùng người anh trai đã đấu thầu mảnh đất chân lúa 1 vụ của nhiều hộ với diện tích 4.107m2 cạnh đường quốc lộ 31 để đào ao nuôi cá. Diện tích được chia đôi cho hai anh em.
Năm 2005 là vụ cá đầu tiên của gia đình anh, đối tượng được anh chọn nuôi là cá trắm cỏ. Do chưa có kinh nghiệm nuôi loại cá này nên cá đã mắc bệnh chết hết. Không nản lòng, năm 2006, anh quyết định quay lại nuôi con cá quả, là loại cá ngoài Bắc cùng giống với con cá lóc bông trong Nam. Với hơn 2000m2 đất, anh chia ra làm ba lô, một lô đào ao to có diện tích 2 sào, một lô đất 1 sào đào các thùng nhỏ để ương cá bột, còn lại là bờ bao quanh vừa làm nhà tạm và để trồng cây. Từ kinh nghiệm đã học hỏi được trong Đồng Tháp, anh đã dùng con cá quả môi trề cho lai tạo với con cá lóc đồng miền Nam tạo ra con cá quả đầu nhím. Tiếp sau đó là dùng con cá chuối hoa cho lai với con chuối kẹ và con chuối vành môi vàng tạo ra con lai ba máu có sức sống tốt và sinh trưởng nhanh.
Sau thời một thời gian tự nghiên cứu, vừa làm vừa học, qua hai năm sản xuất đã cho anh kết quả khá khả quan: Năm 2006, anh đã sản xuất được 800 kg cá quả thịt và 300 kg cá các loại khác; giá bán cá quả là 35.000 đồng/kg. Ngoài ra, thu từ cá quả giống bán được 10 triệu đồng/năm. Năm 2007, cá quả thịt cũng thu được trên 800 kg, giá bán đạt 55.000 đồng/kg, riêng cá quả giống thu được 12 triệu đồng, chưa tính vài tạ cá các loại.
Từ đầu năm 2008 đến nay, anh Tưởng vẫn tiếp tục nuôi cá quả thịt ở ao to, đồng thời nhân giống thành công cho 20 cặp cá quả bố mẹ. Số lượng cá bột đang được ương lên hương khoảng 60 vạn con. Do biết tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để phối chế làm thức ăn cho cá như: Cá tạp, bột ngô, bột sắn, khoai lang, đu đủ nên chi phí cho sản xuất thấp. Thức ăn cho cá quả chỉ dao động từ 4–5 kg/1kg cá thương phẩm.
Trao đổi về khả năng tiêu thụ, anh Tưởng cho biết: “ Đây là đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao nên khả năng tiêu thụ rất thuận lợi, chỉ sợ không sản xuất được nhiều mà thôi”. Tin lành đồn xa, nhiều bạn hàng khắp nơi ở khu vực miền Bắc đã tìm đến anh. Cá Quả giống đã được bán ngay cho các hộ nuôi trong huyện, trong tỉnh và bán sang các tỉnh bạn như Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng… Cá thịt được bán cho các thương lái để chuyển đi Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, tiêu thụ.
Một vấn đề còn nan giải mà vài ba năm nay khiến anh phải bận tâm suy nghĩ, đó là công tác phòng trị bệnh cho cá ở giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương, cá giống còn chưa tốt. Năm 2007 và đầu năm 2008, cá giống khi ương thường mắc bệnh, dẫn đến tỷ lệ ương thấp. Tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, anh đã sử dụng một số loại thuốc diệt khuẩn và cải tạo môi trường ao nuôi như: Thuốc Tiên đắc, Bayer 2216, thuốc tím, muối ăn, muối Sunphát đồng (CuSO4)… để cải tạo ao nuôi và trị bệnh cho cá, kết hợp với sự tư vấn hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Thuỷ sản Bắc Giang, bước đầu đã khống chế được bệnh.
Khi nói về tương lai phát triển nghề nuôi cá quả tại địa phương và trong tỉnh, anh mạnh dạn nói rằng: “ Nuôi và để cá quả có thể sinh sản là một công việc khó nếu ta chưa đi sâu tìm hiểu, đào sâu suy nghĩ và nghiên cứu về nó. Mọi việc sẽ đơn giản hơn khi biết áp dụng các biện pháp KHKT vào trong sản xuất, đồng thời phải có lòng kiên trì, bền bỉ, dám nghĩ, dám làm và điều quan trọng là lòng yêu nghề, không dấu dốt và thực sự cầu thị. Bên cạnh đó nếu được sự hỗ trợ giúp đỡ tạo điều kiện của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh thì chắc chắn sẽ có nhiều hộ nông dân khác có thể nuôi. Mặt khác, việc nhân giống cá quả thành công tạo nguồn giống tốt phục vụ cho thị trường. Khi hình thành những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn và có chất lượng chúng ta sẽ có khả năng đem con cá Quả của quê hương Bắc Giang xuất khẩu ra nước ngoài thu ngoại tệ về cho đất nước”./.