Nói đến chăn nuôi theo phương thức sản xuất hàng hóa không còn xa lạ với nhiều người, nhưng ở quê tôi - Danh Thắng - Hiệp Hòa, thì anh Nguyễn Văn Nghiệp là người đi đầu, nói cho chính xác là người duy nhất đang thành công trong nuôi lợn siêu nạc.
 
Là một thanh niên nông thôn, học xong phổ thông, hoàn thành nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ từ năm 1985 ở biên giới Cao Bằng; cuối năm 1988, anh xuất ngũ về địa phương. Anh lập gia đình rồi ở riêng như bao thanh niên khác. Là một đảng viên trẻ được kết nạp từ trong quân đội, anh xông xáo, lăn lộn sớm khuya để đưa kinh tế gia đình đi lên. Hai vợ chồng, hai đứa con nhỏ với mảnh vườn và 3 sào ruộng, vài con lợn mỗi lứa, anh xoay sở tất bật quanh năm cũng chỉ đủ ăn, dư dật chẳng đáng là bao.
 
Năm 1995, anh mạnh dạn nhận thầu 1ha đồi sỏi khô cằn ở Đống Vồng một vùng đồi cao nhất xã. Thời kỳ đó đang có phong trào trồng vải thiều, anh vay vốn tập trung trồng vải. Đến khi vải thiều cho thu hoạch thì giá quá rẻ, 10 năm không thu đủ vốn. Mày mò học hỏi, tìm tòi, anh được bạn bè vẽ cho nhiều cách làm kinh tế. Qua tham khảo, anh thấy nuôi lợn siêu nạc có nhiều điểm phù hợp với điều kiện của anh. Năm 2006, anh vay vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống. Khả năng có hạn, lại mới làm, anh chỉ mua 15 con lợn giống. Sau 8 tháng lợn bắt đầu đẻ. Lợn con đẻ ra bao nhiêu anh nuôi hết để bán lợn thịt. Năm 2007, anh mua thêm 5 con lợn nái. Năm 2008, đàn lợn nái của anh tăng lên 25 con, cho thu nhập hơn 30 tấn lợn thịt. Cuối năm anh đầu tư thêm 500 triệu, mở rộng chuồng trại. Đầu năm 2009, anh đưa đàn lợn nái lên 30 con, có 5 con nái hậu bị. Cả năm anh xuất 46 tấn lợn thịt. Trọng lượng xuất chuồng tăng gần gấp rưỡi năm 2008, nhưng thu nhập không bằng năm 2008, chỉ được gần 200 triệu đồng, do phải chi phí vào khâu phòng chống bệnh dịch nhiều.
 
Khác với những người có vốn, đầu tư lớn ngay từ đầu. Anh đầu tư theo kiểu “sâu đo”, có vốn đến đâu đầu tư đến đó, không phải vay vốn nhiều, phù hợp với khả năng của mình. Cuối năm 2009, anh đầu tư xây dựng thêm 500m2 chuồng trại và tăng thêm 5 nái hậu bị. Chuồng trại của anh xây dựng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật của một trang trại chăn nuôi tạm gọi là “hiện đại” ở nông thôn. Đặc biệt là về vệ sinh an toàn sinh học, từ đôi ủng, đôi găng tay đến môi trường xung quanh. Hai hầm Bi-ô-ga của nhà anh đủ ga cho một máy nổ chạy suốt 10 giờ liền, cung cấp điện đủ cho yều cầu của công việc, không kể lượng ga dùng cho đun nấu.
 
Tổng vốn đầu tư của anh hiện nay là 1.700 triệu đồng. Hai vợ chồng anh thuê thêm 2 người làm với mức lương 2.000.000đ/tháng cả sinh hoạt. Thời vụ vẫn bảo đảm cho “công nhân” làm tốt việc cày, cấy, gặt hái, trồng mầu của gia đình họ.
 
Khi tôi đến thăm, anh vừa xuất một xe lợn. Anh đưa cho tôi xem quyển sổ vợ anh ghi: 2.181kg x 29.500đ = 64.300.000đ. Từ tháng 01/2010 đến hôm nay anh đã xuất 20 tấn lợn thịt, giá bình quân 30.000đ/kg.
 
Tổng đàn lợn của gia đình anh hiện có 30 nái đẻ (có 6 nái đang nuôi con), 5 nái hậu bị, 100 con lợn sữa, 150 con lợn thịt. Mỗi tháng anh cho 6 nái đẻ. Bình quân 10 lợn con một đàn. Đến bây giờ thì anh điều chỉnh cho lợn đẻ ban ngày, chứ không để đẻ đêm như thời kỳ đầu, có đêm hai vợ chồng phải khênh chõng ra chuồng lợn ngủ, thay nhau trông lợn đẻ, anh nói với tôi như vậy. Cách thức đầu tư của anh Nghiệp đang được nhiều hộ chăn nuôi khác làm theo./.
 
Nguyễn Thế Tính