Sử dụng các giống heo thuần chất lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất và môi trường nhiệt đới nước ta là điều kiện tiên quyết để tối ưu lợi nhuận trong chăn nuôi heo công nghiệp và nông hộ. Trong bài viết này, tôi xin nhấn mạnh những ưu và nhược điểm của hai nhóm heo chính: Heo ngoại và heo nội đang được nuôi phổ biến ở nước ta, nhằm giúp các xí nghiệp-công ty các trang trại và nông hộ chọn ra những giống tốt nhất cho mỗi hệ thống.
Nhóm heo ngoại nhập nội gồm các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và Pietrain. Trước tiên là heo Yorkshire, đặc biệt dòng heo của úc có ưu điểm tăng trọng nhanh, ít mỡ, nhiều nạc, dễ nuôi dưỡng chăm sóc và có khả năng thích nghi cao với môi trường nhiệt đới nóng ẩm nước ta. Đực Yorkshire 4 chân cao, to khỏe rắn chắc tạo dáng đi linh hoạt, có chất lượng tinh dịch tốt, cho tỷ lệ thụ thai cao và nhiều heo cho mỗi lứa đẻ. Năng suất sinh trưởng và sinh sản của con lai từ đực York- shire cũng cao hơn so với những giống khác và thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi nông hộ. Thứ hai là giống Landrace: Dòng đực Landrace có phần mông đặc biệt phát triển, cho nhiều nạc hơn giống Yorkshire, nhưng nhạy cảm với những điều kiện môi trường bất lợi (stress). Dòng nái Lan- drace mỗi lứa đẻ từ 10-14 con, nhưng dễ mắc các bệnh sinh sản như: Mất sữa hoặc viêm nhiễm đường sinh dục. Giống heo thứ ba là Duroc. Đây là loại heo hướng nạc, thường được dùng như dòng đực cuối cùng để phối với heo nái lai hai máu Yorkshire và Landrace để tạo con lai nuôi thịt có tỷ lệ nạc cao và thịt có chất lượng thơm ngon. Nhược điểm của heo Duroc là đẻ ít con (7-9 con/lứa), thường đẻ khó và ít sữa. Heo Duroc chỉ thích hợp làm nọc giống, có chất lượng tinh dịch tốt và cho nhiều heo con ở mỗi lứa đẻ. Đặc điểm nổi bật của heo Duroc là sản xuất con lai nhanh lớn, nhiều nạc có nhiều mỡ dắt làm cho thịt có vị thơm ngon. Thứ tư là giống Pietrain. Heo Pietrain không thích hợp dùng làm nái, có tuổi đẻ lứa đầu chậm: 418 ngày tuổi (so với Yorkshire là 366 ngày tuổi), và số con sơ sinh bình quân thấp (9 - 10 con/ ổ). Đặc tính ưu việt của heo Pietrain là sử dụng thức ăn rất hiệu quả để chuyển đổi thành nạc, với tỷ lệ nạc cao từ 61 - 63%. Tuy nhiên, giống heo này kém thích nghi với điều kiện nóng ẩm, dễ bị đột tử khi vận chuyển đường xa và có chất lượng thịt kém do ảnh hưởng của gene Halothane. Gần đây, vài ý kiến muốn nhập giống Hampshire. Tôi hoàn toàn không ủng hộ bởi vì giống heo này mang gene Redement Napole (RN) gây acid hóa thịt.
Những giống heo nội chính gồm: Móng Cái, Ba Xuyên và Thuộc Nhiêu. Giống heo Móng Cái có năng suất sinh sản cao từ 10 -16 con cho một lứa đẻ, thường được dùng làm nái ở nhiều tỉnh miền Trung và Bắc bộ bởi chúng đẻ rất sai, cho nhiều sữa và nuôi con khéo. Heo Ba Xuyên đẻ bình quân 8 - 9 con, được nuôi phổ biến tại miền Tây và được dùng làm nái nền để lai với các giống ngoại trong sản xuất heo thương phẩm. Heo Thuộc Nhiêu chịu đựng tốt với điều kiện nuôi dưỡng kham khổ, có khả năng sử dụng thức ăn nghèo đạm, nuôi con khéo, có khả năng chống chịu bệnh tốt, và vì thế phù hợp với chăn nuôi gia đình. Một xu hướng không thể tránh khỏi là các giống heo nội đang dần được thay thế bởi các heo ngoại cao sản, đặc biệt ở nhiều trại quy mô lớn có trình độ chăn nuôi thâm canh và đầu tư cao. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nông hộ ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, đại đa số nông dân nuôi con lai giữa nái địa phương và đực ngoại. Các giống heo nái nội có tầm vóc nhỏ bé, nhiều mỡ, ít nạc, nhưng có nhiều đặc tính ưu việt: Chịu kham khổ, dễ nuôi dưỡng, tận dụng tốt nguồn thức ăn địa phương, mắn đẻ, nuôi con khéo, đề kháng cao với bệnh tật và đặc biệt thích nghi với môi trường khí hậu nước ta. Trong khi đó các giống ngoại lớn nhanh cho nhiều nạc. Lai tạo giữa các giống heo nội với các giống heo ngoại sẽ kết hợp bổ sung những đặc tính tốt của cả 2 giống. Con lai có tầm vóc cải thiện, tăng trọng cao và giữ được năng suất sinh sản tốt. Vì thế, chúng ta cần phải bảo tồn nguồn gen heo nội để nhân thuần cung cấp nái nền lai tạo với các giống ngoại nhập trong các hệ thống sản xuất nhỏ, đặc biệt chăn nuôi nông hộ thường thiếu vốn đầu tư và kỹ thuật, với phương thức chăn nuôi tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp vẫn còn phổ biến.
Kết luận, có 3 giống heo ngoại chính nên được sử dụng tại Việt Nam là: Yorkshire, Landrace và Duroc. Các giống gia súc, gia cầm địa phương nói chung và các giống heo nội nói riêng cần được bảo tồn và cải thiện tiềm năng di truyền để lai tạo với các giống nhập nội cung cấp con lai phù hợp với điều kiện sản xuất nông hộ trong từng vùng đất nước.
Theo www.agriviet.com
Tin liên quan:
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Lạng Giang: Cán bộ khuyến nông thành công với mô hình vỗ béo bò thịt (30-08-2022)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)