Lục Ngạn là huyện có truyền thống nuôi trâu. Những năm trước đây, tổng đàn trâu trên địa bàn khoảng 22 nghìn con, lớn nhất tỉnh, tập trung ở các xã: Phong Vân, Phong Minh, Biên Sơn, Sa Lý, Đồng Cốc, Đèo Gia, Phú Nhuận... Gia đình nào ít cũng có 2-3 con, nhiều 5-10 con.  Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, một con trâu cái cứ ba năm đẻ một đôi nghé cho giá trị khoảng 15 triệu đồng. Như vậy, gia đình nào nuôi trâu với số lượng nhiều có thu nhập 30-40 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu đáng kể giúp người dân, nhất là ở các xã miền núi, đặc biệt khó khăn xoá đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Thế nhưng, mấy năm gần đây, hầu hết các hộ chăn nuôi ở Lục Ngạn đều giảm quy mô đàn trâu, thậm chí bỏ không nuôi nữa. Bởi vậy, tổng đàn trâu toàn huyện hiện chỉ còn gần 19 nghìn con, giảm khoảng 2 nghìn con so với năm 2009. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đàn trâu ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn đều sụt giảm. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh có hơn 91 nghìn con trâu thì năm nay chỉ còn gần 81 nghìn con. Các huyện có phong trào nuôi trâu phát triển mạnh như: Lục Nam, Sơn Động, Lạng Giang, Yên Thế... tổng đàn giảm đáng kể. Theo số liệu của cơ quan thú y, huyện Lục Nam chỉ còn 11.740 con trâu, Sơn Động khoảng 13 nghìn con, Lạng Giang hơn 7.500 con, giảm 1.000-2.000 con so với năm 2010.
 
Có rất nhiều nguyên nhân khiến tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Trước tiên là do bãi chăn thả trâu đang dần bị thu hẹp. Ở các huyện miền núi thấp, các khu vườn bãi, đồng ruộng trũng hoang hoá cỏ mọc um tùm là bãi chăn trâu nay được các hộ dân cải tạo để phát triển sản xuất hay nuôi trồng thuỷ sản. Đàn trâu liên tục giảm còn do mấy năm gần đây cơ giới hoá trên đồng ruộng phát triển mạnh. Nhiều hộ gia đình mua máy cày, máy kéo, máy làm đất thay trâu. Ông Nguyễn Văn Đoàn ở thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) nói: "Mấy năm nay rất ít người dân thuê cày, bừa bằng trâu nên gia đình tôi đành phải bán cả hai con trâu mặc dù rất tiếc". Bên cạnh đó, thời gian qua lực lượng lao động ở nông thôn phần lớn đi làm nghề phụ hoặc xin vào làm công nhân trong các doanh nghiệp, xuất khẩu lao động nên thiếu người chăn thả trâu. Đáng chú ý đợt rét đậm, rét hại năm 2008 và năm 2010 có hơn 2 nghìn con trâu, nghé trên địa bàn bị chết. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây nhu cầu sử dụng thịt trâu ngày càng tăng trong khi người dân lại không tái đàn cũng khiến đàn trâu giảm mạnh…
 
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đàn trâu có vai trò quan trọng đối với người dân vùng núi, các xã đặc biệt khó khăn bởi loài vật nuôi này chi phí đầu tư không cao, cho thu nhập khá ổn định. Thời điểm này, một con trâu to và đẹp có giá bán hơn 20 triệu đồng, đây là nguồn thu đáng kể có thể giúp người dân xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt, hiện nay đồng ruộng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các huyện miền núi như: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động còn manh mún, phân tán, không bằng phẳng nên máy móc khó có thể phát huy tác dụng do đó nuôi trâu vẫn cần thiết để lấy sức kéo. Đặc biệt, đàn trâu phù hợp phát triển ở các huyện miền núi bởi có sức đề kháng, chịu rét tốt hơn đàn bò. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thịt trâu ngày càng tăng mạnh, giá bán cao nên người dân có thể nuôi trâu thương phẩm. Vậy nên, ngành nông nghiệp khuyến cáo các hộ dân ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động và Yên Thế tập trung khai thác tiềm năng sức lao động, đất đai rộng để trồng cỏ chăn nuôi trâu trên cơ sở quy hoạch vùng nuôi hợp lý, tích tụ đất đai thành vùng chăn thả gia súc tập trung; tăng cường hướng dẫn các hộ kỹ thuật chăn nuôi lai tạo giống…
 
BGO