Gần chục năm làm ăn ở TP Hồ Chí Minh, anh Thân Văn Hùng quyết định trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Những bước đi vững chắc, mạnh dạn và tự tin của anh đã gặt hái được thành công.
 
 
 
Anh Thân Văn Hùng (ngoài cùng bên phải) giới thiệu với khách về trang trại.
 
Bài học từ thất bại
 
Khách đến tham quan trang trại của anh Hùng ở thôn Nguộn, xã Tự Lạn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) không khỏi ngạc nhiên bởi màn chào hỏi khá đặc biệt. Thay vì những cái bắt tay chào đón và cũng không để khách kịp phản ứng, một trận mưa nhân tạo từ chiếc vòi phun đặt ngay trước cổng phủ kín cả đoàn. Những giọt nước li ti không đủ làm quần áo ướt sũng nhưng cũng khiến chúng tôi hơi khó chịu dù người bảo vệ nở nụ cười tươi kèm theo lời xin lỗi.
 
Lúc đó, chủ trang trại mới thong thả bước ra nắm chặt bàn tay khách. Nhác trông dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt lấp lánh biết cười và vầng trán rộng thì ông chủ có vẻ trẻ hơn so với tuổi 36 theo lời giới thiệu của Bí thư Huyện đoàn Việt Yên. Bàn uống nước cũng được đặt ngay bên cạnh cổng ra vào.
 
Tranh thủ lúc chủ đang bận pha nước, chúng tôi ngắm trang trại. Mọi thứ ở đây được bố trí khá khoa học nhưng cũng không kém phần lãng mạn với hai hàng liễu rủ thơ mộng trồng dọc bên lối đi. Khu vườn rộng trồng đủ các loại rau xanh mướt. Hàng chuối tươi tốt đứng xếp hàng đều tăm tắp bên cạnh bờ ao với đàn vịt trắng nhởn nhơ đùa dưới làn nước trong veo. Khu văn phòng, nhà ở công nhân lợp mái tôn màu xanh ôm lấy góc sân rộng lát gạch hồng.
 
Anh Hùng cười hiền lành giải thích đây là "màn chào hỏi" bắt buộc. Ngay từ trước khi vào đến cổng, cả đoàn người, xe đã phải lội qua một hào nước. Qua cổng, việc phun nước vào khách là để khử trùng, hạn chế dịch bệnh xâm nhập vào trang trại. Còn nếu là công nhân hoặc khách muốn đi thăm các dãy chuồng nuôi thì phải tắm và thay quần áo tại nhà tắm được bố trí ở cổng.
 
Tiện lời, anh kể cách đây vài năm, do không chú ý đến vấn đề này mà cả đàn lợn  bị dịch bệnh, thiệt hại gần 3 tỷ đồng. Từ "bài học" đắt giá đó, trang trại hạn chế tiếp khách và thực hiện nghiêm ngặt việc khử trùng với người lạ khi vào thăm.
 
"Dụng võ" ở quê hương
 
Bên chén trà, chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện đời, chuyện làm giàu của Thân Văn Hùng. Anh là con út trong gia đình có 7 người con ở thôn Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh - Việt Yên). "Giàu con út, khó con út", cậu bé Hùng chỉ được học hết cấp II rồi bươn chải vào tận TP Hồ Chí Minh ở nhờ nhà người thân rồi vừa đi học, vừa đi làm kiếm sống.
 
Năm 1994, Hùng tốt nghiệp khoa cơ khí của một trường nghề và xin được làm thuê tại một xưởng sản xuất nhỏ. Là người nhanh nhẹn, cần cù, chịu khó, anh được tin tưởng và giao nhiệm vụ quản lý công nhân trong xưởng. Nhận thấy nghề cơ khí đang có "đất dụng võ" ở quê hương mình, cuối năm 2001 anh quyết định trở về nhà. Số vốn tích cóp được trong thời gian ở miền Nam cộng với  vay mượn của bạn bè, người thân anh có được 70 triệu đồng mở một cửa hàng gia công cơ khí nhỏ và thuê thêm 2 công nhân nữa.
 
Ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ, khách đặt gì làm nấy, khi thì ít nan cửa, lúc làm cánh cổng sắt hoặc vài đồ lặt vặt cho mấy người làm nghề vận tải. Với tính cần cù, cẩn thận lại thêm "hoa tay", những sản phẩm của anh luôn được khách hàng đánh giá cao, xưởng cơ khí ngày càng phát triển. Đến nay, xưởng được mở rộng, đầu tư máy móc hiện đại, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/ người/tháng.
 
Theo anh Hùng, trong làm ăn kinh tế thì yếu tố may mắn góp phần không nhỏ cho thành công của mỗi người. Cái may của anh chính là đã đầu tư đúng thời điểm. Đó là khi giá đất đang sốt sình sịch thì anh bỏ vốn vào lĩnh vực này, không tiết lộ con số cụ thể nhưng hẳn là số tiền lời anh thu về không hề nhỏ.
 
Cái may nữa là anh đã biết rút lui kịp thời khi thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng để bảo toàn đồng vốn của mình. Nhưng cái được lớn hơn là thông qua việc làm  khung sắt cho một số trang trại lợn giống, anh tìm ra hướng làm ăn mới. Ban đầu anh cũng băn khoăn bởi vốn đầu tư cho lĩnh vực này tương đối lớn, khả năng rủi ro cao.
 
 
 
 
Mặt khác, từ trước đến nay anh chỉ quen với sắt, nhôm, máy hàn, máy đục… chứ chăm sóc lợn anh chưa hề ngó qua. Nhưng suy đi tính lại anh quyết tâm làm bằng được. Năm 2007, anh nhận chuyển nhượng hơn 24 nghìn m2 đất ở thôn Nguộn (xã Tự Lạn, Việt Yên) và bắt tay xây dựng trang trại chăn nuôi lợn nái sinh sản.
 
Làm chủ kỹ thuật, hạn chế rủi ro
 
Khoát tay chỉ một vòng trang trại anh Hùng cho biết lúc đầu, khu vực này hầu như bỏ hoang, đất đai cằn cỗi, khá nhiều thùng vũng. Anh phải thuê máy xúc, máy ủi ngày đêm san lấp lấy mặt bằng. Cùng đó, anh được sự hỗ trợ của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam trong việc cung cấp con giống, thức ăn, thuốc vệ sinh, cử cán bộ kỹ thuật giám sát toàn bộ quá trình sinh sản, phát triển đàn lợn và bao tiêu sản phẩm… Nhẩm lại, anh đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để "cánh đồng hoang" khi xưa bây giờ trở thành một khu chăn nuôi hiện đại vào bậc nhất nhì trong tỉnh. Anh gọi đùa đây là "bệnh viện phụ sản" cho lợn với các khu riêng biệt như khu phối giống, khu chờ đẻ, hậu sản…
 
Mỗi công nhân ở đây là một "bác sĩ chuyên khoa" hằng ngày chăm sóc, theo dõi từng biểu hiện nhỏ nhất của mỗi con lợn để xử lý kịp thời. Trang trại của anh hiện có khoảng 30 công nhân như thế được bố trí ở trong trang trại với khu nhà ở sạch sẽ, có đầy đủ ti vi và các đồ dùng khác chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc cho hơn 1.200 lợn nái sinh sản.
 
Ngoài ra, anh Hùng còn xây dựng hẳn một ngôi nhà hai tầng, có cả phòng ka-ra-ô-kê, bên ngoài có sân cầu lông, bàn bi-a, bóng bàn để cho công nhân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao. Ngoài ăn nghỉ tại trang trại, mỗi người còn được hưởng mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng, lao động tay nghề cao 5-6 triệu đồng/tháng. "Khi công nhân coi trang trại như nhà của mình thì họ sẽ gắn bó hết mình và điều đó giúp cho trang trại phát triển". Anh Hùng tâm sự.
 
Chăn nuôi là ngành có mức độ rủi ro lớn nhưng ngoài năm đầu tiên bị ảnh hưởng do dịch bệnh còn lại hầu như năm nào trang trại của anh cũng cho doanh thu khoảng 6,5-7 tỷ đồng. Anh Hùng cho rằng, yếu tố phòng dịch chính là điều kiện quan trọng nhất quyết định thành công trong chăn nuôi nên anh triệt để áp dụng biện pháp tiêm phòng và ngăn ngừa dịch bệnh từ xa.
 
Trên cơ sở thành công hiện nay, anh đang tập trung mở thêm một trang trại mới ở xã Hương Mai (Việt Yên) với diện tích hơn 34 nghìn m2, dự kiến chăn nuôi khoảng 1.200 con lợn nái sinh sản nữa.
 
Nguyễn Trường (Báo BG)