Trong những năm gần đây, chăn nuôi lợn ở Bắc Giang phát triển mạnh đã từng bước góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi thì dịch bệnh cũng phát sinh, lây lan và gây thiệt hại lớn về kinh tế. Một trong những bệnh thường xảy ra là bệnh Tai xanh hay còn gọi là Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (Porcine Reproductive and Respiratory Syndrom - PRRS). Bệnh Tai xanh là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho lợn ở mọi giống và lứa tuổi, năm 2010 toàn tỉnh đã có 101.371 con mắc bệnh, chết và tiêu hủy 24.171 con. Dịch xảy ra trên 956 thôn của 151/230 xã, phường, thị trấn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho người chăn nuôi lợn. Bệnh Tai xanh ở lợn do một loại RNA virus gây ra tấn công và diệt các đại thực bào ở phổi (40%) dẫn đến hiện tượng suy giảm sức đề kháng ở lợn, tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn khác gây bệnh nên thường gây thiệt hại nặng nề đối với ngành chăn nuôi lợn. Đối với lợn nái, bệnh gây hậu quả nghiêm trọng như sảy thai, đẻ non, lợn con sinh ra yếu ớt, chết non; tình trạng bệnh âm ỷ gây rối loạn sinh sản như động dục kéo dài, chậm động dục trở lại. Đối với lợn đực giống, bệnh làm giảm số lượng tinh dịch, chất lượng tinh dịch kém, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai và chất lượng đàn con.
 
 
 
Trong khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ và biện pháp phòng chống bệnh Tai xanh ở lợn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” được hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Thú y tỉnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn phòng chống bệnh Tai xanh ở lợn tại 4 hộ ở 4 xã Tân Thịnh huyện Lạng Giang, xã Tăng Tiến huyện Việt Yên, xã Tư Mại huyện Yên Dũng và xã Ngọc Châu huyện Tân Yên, với quy mô nuôi mỗi hộ từ 50-200 lợn nái, lợn thịt. Ở các hộ tham gia mô hình, đàn lợn đều được tiêm phòng 6 loại vắc xin như dịch tả lợn, suyễn lợn, tai xanh, lở mồm long móng, vắc xin kép, vắc xin đa giá phòng viêm phổi lợn; sử dụng các loại thuốc kháng sinh như: Florfenicol, amoxillin, ceftiofur định kỳ vào thức ăn để phòng bệnh viêm phổi kế phát ở lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chuồng trại định kỳ theo đúng qui định của cơ quan chuyên môn. Kết quả cho thấy tại các hộ chăn nuôi lợn, khi áp dụng các biện pháp phòng chống bệnh Tai xanh thì không xảy ra bệnh Tai xanh, dịch tả lợn, Suyễn lợn, đóng dấu, các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt, hiệu quả chăn nuôi lợn được cải thiện đáng kể. Hộ bà Trần Thị Hoa ở thôn Tân Châu xã Ngọc Châu huyện Tân Yên nuôi từ 50 - 100 lợn thịt, trước đây lợn thường hay bị bệnh Tai xanh dẫn đến chăn nuôi thua lỗ, đến nay áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn đã không xảy ra dịch bệnh thu lợi nhuận 40 triệu đồng - 50 triệu đồng/năm. Hộ ông Hoàng Văn Long ở thôn Phúc Long xã Tăng Tiến huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang, nuôi 200 - 300 lợn nái hậu bị áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn đã không xảy ra dịch bệnh thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
 
 Phát huy hiệu quả từ mô hình này, năm 2013, Chi cục Thú y đã chỉ đạo các địa phương để nhân rộng mô hình này ở nhiều địa phương trong tỉnh. Đến nay đã có thêm 45 hộ chăn nuôi lợn ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Tân Yên tham gia và hiệu quả đạt được rất khả quan. Tại các tháng đầu năm 2013, các hộ chăn nuôi áp dụng mô hình đều không có lợn bị mắc bệnh Tai xanh, các bệnh khác đều được kiểm soát tốt. Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh đã phổ biến rộng rãi cho toàn bộ mạng lưới thú y cơ sở, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về hiệu quả của các phác đồ điều trị lợn nghi mắc Tai xanh, mắc viêm đường hô hấp bằng việc sử dụng các loại kháng sinh florfenicol, amoxillin, ceftiofur được lựa chọn từ kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Vì vậy, lợn mắc bệnh được phát hiện, xử lý kịp thời, điều trị sớm có tỷ lệ khỏi bệnh cao, do đó trong 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã không xảy ra ổ dịch lợn Tai xanh, tạo điều kiện cho người chăn nuôi ổn định tâm lý, yên tâm góp phần phát triển chăn nuôi lợn, tăng thu nhập cho hộ gia đình nông dân./.
 
 Nguyễn Văn Tình (Phòng Quản lý Khoa học)