Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” do Trung ương Hội NDVN phát động, thời gian qua nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện Sơn Động đã tích tìm tòi học hỏi, đưa các giống con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất tại hộ gia đình đạt hiệu quả, nhiều người trong số đó đã bứt phá làm giàu từ trồng trọt, chăn nuôi. Chị Lào Thị Toan - 42 tuổi, hội viên nông dân thôn Sầy, xã Tuấn Đạo là một trong những tấm gương điển hình.
 
 
Gia đình chị Lào Thị Toan có 4 nhân khẩu, chồng chị là cán bộ công chức xã, 2 con đang học chuyên nghiệp xa nhà, chị là lao động chính trong gia đình với 2 ha đất vườn trồng cây ăn quả, 5 sào ruộng cấy lúa và 3 sào ao thả cá. Mặc dù tất bật quanh năm với việc vun trồng, chăm sóc vườn cây ao cá, chăn nuôi  gà, lợn nhưng do giá cả vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi biến động tăng cao, đầu ra cho nông sản không thuận lợi nên những năm trước đây, thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình chị Toan chỉ đủ chi phí cho sinh hoạt hàng ngày, không có tích lũy. Qua tìm hiểu thông tin sách báo và được đi thăm quan thực tế các mô hình sản xuất tiêu biểu do Hội nông dân xã tổ chức, cuối năm 2008, chị đã mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi con đặc sản (Lợn rừng) bằng việc huy động vốn tự có đầu tư mở rộng chuồng trại và mua 2 con lợn đực giống lợn rừng thuần chủng về gây nuôi để phối giống với lợn nái sinh sản tại nhà. Do tích cực học tập kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi nên ngay lần nuôi thử nghiệm đầu tiên đã thu được kết quả tốt. Lợn sinh sản đều, con giống khỏe mạnh.
 
Từ 2 con giống ban đầu, đến đầu năm 2010 gia đình chị đã có tổng đàn trên 30 con lợn lợn nái. Lợn rừng là loài vật dễ nuôi hơn lợn nhà rất nhiều, sức đề kháng cao, ít bệnh tật. Thức ăn cho chúng chủ yếu là các phụ phẩm trong nông nghiệp như rau, củ, quả, cỏ, thân cây ngô non, cây chuối nên dễ kiếm, chi phí thức ăn tinh bột chỉ chiếm khoảng 10%. Đặc biệt thịt lợn rừng là loại thực phẩm sạch, thơm ngon và bổ dưỡng, được người tiêu dùng rất ưu chuộng, vì vậy thị trường tiêu thụ lợn thương phẩm đang diễn ra thuận lợi. Với giá bán bình quân 200.000đ/kg lợn hơi, trong năm 2010, gia đình chị Toan xuất bán lứa lợn thương phẩm đầu tiên được hơn một tấn lợn hơi đã thu lãi trên 100 triệu đồng.
 
Từ hiệu quả ban đầu, năm 2011, Chị tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại và tăng quy mô chăn nuôi lợn rừng của gia đình lên 15 con lợn nái sinh sản, trong các gian chuồng nuôi luôn duy trì trên 100 con lợn lớn nhỏ. Kết quả trong 2 năm 2011 và 2012, mỗi năm gia đình chị xuất bán ra thị trường được khoảng 3 tấn lợn thịt và hàng trăm con lợn giống, thu lãi trên 200 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi lợn rừng, hơn 4 năm qua kinh tế của gia đình chị đã ngày càng trở lên khá giả, 2 con có điều kiện được học hành. Hiện nay, ngoài việc mở rộng chuồng trại chăn nuôi, Chị còn giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ trong thôn về chăn nuôi, làm ăn kinh tế, mỗi năm cho thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Về định hướng phát triển thời gian tới, Chị cho biết: Hiện nay điều kiện kinh tế của người dân đã khá lên nhiều, mọi người đều hướng tới lựa chọn loại thực phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ sản phẩm lợn rừng rất thuận lợi. Mặt khác nuôi lợn rừng tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn của gia đình nên chi phí thấp, dù giá bán không được như trước nhưng lãi suất nuôi lợn rừng vẫn cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác. Do vậy chị đang duy trì, đồng thời tiếp tục mở rộng chăn nuôi lợn rừng và có thể nuôi thử nghiệm thêm một số loại con đặc sản khác, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
 Tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thực hiện việc “học tập và làm theo tấm gương đọa đức Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Sơn Động tổ chức trong thời gian vừa qua, chị đã được Huyện ủy khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Bá Dương