Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang) phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế của nông dân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
 
 
Gia đình anh Bùi Văn Chuyền thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ nuôi lợn rừng.
 
Gia đình anh Bùi Văn Chuyền, thôn Trung là một trong những hộ đầu tiên đưa lợn rừng về nuôi tại xã Tân Thanh. Năm 2009, qua đọc báo, nghe đài thấy mô hình nuôi lợn rừng cho hiệu quả kinh tế cao, anh Chuyền đã học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình nuôi lợn rừng trong và ngoài tỉnh, nhận thấy lợn rừng rất phù hợp với điều kiện đồi núi, phát triển kinh tế của gia đình, nhưng ngặt một nỗi là thiếu vốn. Đang băn khoăn thì được Hội Nông dân đứng ra tín chấp với ngân hàng cộng với vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, anh Chuyền mạnh dạn xây 4 ô chuồng với diện tích hơn 40m2 và mua 5 con lợn rừng giống. Sau gần một năm, 4 con lợn sinh sản, những lứa lợn con này được gia đình nuôi thành lợn thịt. Sau 8 tháng nuôi thả, trọng lượng mỗi con từ 25 - 35kg, giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, lứa lợn đầu tiên anh Chuyền thu lãi hơn 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh nuôi 10 con lợn nái và hơn 30 con lợn thương phẩm. Từ lợn rừng, năm 2011 gia đình anh Chuyền thu lãi hơn 100 triệu đồng. Anh cho biết: Lợn rừng là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít bị bệnh, kỹ thuật nuôi không khó. Thức ăn chủ yếu là thân cây chuối, cỏ, lá, rau, bèo và các hạt ngũ cốc, củ, quả. Quan trọng nhất là khâu chọn giống. Con giống không chuẩn sẽ dẫn đến tỷ lệ nạc thấp, chất lượng thịt không ngon. Cần chọn những con giống có hình dáng cao, mình trắm chắc, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ, ít thịt má... Hiện nay gia đình anh Chuyền đang mở rộng thêm 70m2 chuồng trại, phát triển đàn lợn nái lên 20 con.
 
Cũng là thực hiện ước mơ làm giàu tại quê hương, tuy ở tuổi lục tuần nhưng vợ chồng ông bà Trần Văn Phan - Đoàn Thị Cầu, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục vẫn quyết định "rời làng" vào khu đồi để xây dựng trang trại trồng nấm, nuôi lợn, gà thịt. Bà Cầu cho biết: "Được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân tổ chức và tìm hiểu thực tế các mô hình kinh tế, năm 2009, vợ chồng tôi quyết định vào đây để làm trang trại. Qua vay mượn anh em, bạn bè, ngân hàng, quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm và quỹ hỗ trợ nông dân, chúng tôi đã đầu tư 300 triệu đồng xây dựng ba lán với diện tích 500m2/lán để trồng nấm sò và mộc nhĩ, xây dựng chuồng trại, hầm khí Bioga nuôi lợn thịt". Hiện nay, mỗi năm ông bà trồng hai vụ nấm với 60 tấn nguyên liệu và nuôi 40 đầu lợn thịt/lứa. Nhằm khép kín quy trình sản xuất, tránh dịch bệnh, bà Cầu nuôi 3 lợn nái để chủ động lợn giống. Tận dụng diện tích đồi rộng hơn 6000 m2 trồng vải thiều và sắn, dưới tán cây gia đình nuôi 500 con gà lai mía/lứa. Mô hình kinh tế tổng hợp này mỗi năm thu lãi trên 150 triệu đồng. "Trồng nấm sò và mộc nhĩ tốn ít nhân lực. Công việc đều đều rất phù hợp với sức khỏe của người có tuổi. Giá nguyên liệu đầu vào sẵn có, rẻ, thị trường tiêu thụ thuận lợi, vào vụ nấm thương lái đến tận nhà thu mua. Thu nhập từ trồng nấm mang lại tương đối cao và ổn định, cứ đầu tư bao nhiêu thì sẽ thu lãi được bấy nhiêu. Do vậy, bên cạnh duy trì  ổn định đàn lợn, đàn gà như hiệu nay, kết thúc vụ nấm xuân này, gia đình tôi tiếp tục mở rộng thêm 200m2 lán trại để vụ sau trồng khoảng 100 tấn nguyên liệu nấm sò và mộc nhĩ" - bà Cầu bộc bạch.
 
Trên đây chỉ là hai trong số hơn 16.500 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Lạng Giang năm 2011. Trong đó, sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương có 477 hộ, cấp tỉnh 1350 hộ, cấp huyện 3364 hộ, còn lại là cấp cơ sở. Ông Hà Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạng Giang cho biết: Các cấp Hội Nông dân trong huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Hội chủ động phối hợp với các ngân hàng thành lập các tổ vay vốn theo hình thức cho vay ủy thác, đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ hiện nay đạt gần 115 tỷ đồng. Cùng với đó, tích cực tiếp nhận các dự án, nguồn vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (vốn 120), quỹ hỗ trợ nông dân các cấp giải ngân cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay sản xuất. Đồng thời, Hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị khuyến nông cung ứng giống và phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân, mỗi năm tổ chức từ 250 đến 300 lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 15 - 17 nghìn lượt nông dân, xây dựng các mô hình trình diễn các giống cây, con mới hiệu quả kinh tế cao để nông dân mắt thấy tai nghe vận dụng vào sản xuất. Ngoài ra, Hội còn đẩy mạnh phong trào hội viên tương trợ giúp đỡ nhau về vốn, cây con giống, kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau giảm nghèo hiệu quả ngay từ cơ sở.
 
Nhờ có vốn và khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên nông dân huyện Lạng Giang đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao.  Mỗi người một hoàn cảnh, cách nghĩ, cách làm khác nhau nhưng tất thảy cùng chung một ý chí, một quyết tâm, đó là nỗ lực vượt khó, tích cực lao động, nhạy bén với thị trường để làm giàu ngay tại quê hương.
 
 Thu Trang