Kinh tế trang trại- xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các trang trại được hình thành là nhân tố quyết định thúc đẩy phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông lâm ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới, làm cho dân giàu, nước mạnh.
 
 
Không xuất phát từ kinh nghiệm chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng con đường đến với kinh tế trang trại của gia đình ông Bùi Văn Thắng tại Thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang lại hiệu quả, hiện đang là tấm gương sáng để mỗi khi nhắc tới gia đình ông mọi người đều cảm phục và ngưỡng mộ.
 
Năm 2004 ông mạnh dạn cùng gia đình đấu thầu thuê lại diện tích hồ trên 10ha của Xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang với ý tưởng cải tạo xây dựng, phát triển mô hình VAC quy mô và hiệu quả.
 
Gia đình ông bắt đầu chăn nuôi từ năm 2004. Nhờ niềm đam mê cùng ý chí làm giàu sau nhiều năm tâm huyết, gia đình đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng khu chăn nuôi khép kín với diện tích trên 10 ha. ông đã dành 500m2 xây dựng khu chuồng nuôi lợn nái. 3.000m2 chăn nuôi lợn thịt và một phần để nuôi lợn sữa. Cùng hệ thống kho chứa, dự trữ thức ăn và các tủ bảo quản vacxin cho đàn lợn và cá. Các khu nuôi được phân bố dọc bờ chính của ao" với diện tích mặt ao trên 10 ha", cùng hệ thống đường đi thuận tiện và kiên cố. Vừa tiện cho việc vệ sinh chuồng trại, vừa tạo sự thoáng mát cho đàn lợn. Ngoài ra, khu nuôi lợn nái được gia đình lắp đặt hệ thống trần chống nóng, phun chống nóng trên mái, quạt thông gió cùng hệ thống bóng đèn chiếu sáng và tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Hệ thống sưởi vào mùa đông cũng được gia đình ông chú trọng với 3 khu chủ đạo bởi đặc tính của lợn nái nuôi con và nái chửa khác nhau. Dãy nuôi lợn thịt được phân chia thành khu riêng.
 
Phân lợn được gia đình tận dụng một phần làm nguồn thức ăn dồi dào cho hồ cá, cũng đảm bảo vệ sinh môi trường.
 
Hiện nay, gia đình ông đang có gần 80 con lợn nái và 3 con lợn đực  giống với xuất xứ lợn ngoại siêu nạc. Hàng tháng cho số lượng lợn giống trên 120 con, toàn bộ số lợn để phục vụ cho việc nuôi lợn thịt của gia đình. Ngoài ra, gia đình kết hợp với việc khai thác tinh cung cấp giống chuẩn cho bà con trong vùng và một số trang trại lân cận.
 
Việc áp dụng mô hình khép kín và kết hợp với nuôi cá  trong chăn nuôi đã giúp gia đình ông tránh và hạn chế được dịch bệnh cho đàn lợn  và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sản lượng lợn thịt mà gia đình ông xuất bán ra thị trường ước tính đạt hơn 12 tấn/ tháng.
 
Với diện tích sử dụng trên 10ha mặt hồ, gia đình ông đã chủ động đắp ngăn thành 4 ao nuôi với diện tích khác nhau để thuận tiện cho việc nuôi trồng.
 
Ban đầu gia đình ông thả 50.000 con cá giống với đủ các chủng loại mè, cá trắm, cá trôi, cá chép và cá chim... và cho sản lượng hơn 19 tấn/ năm.
 
Ông chia sẻ  :" do những năm đầu còn nhiều bỡ ngỡ, kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế nên cá trong hồ bị chết nhiều, gây thất thoát lớn". Nhớ lại năm 2007 và  2009 là 2 năm gia đình ông phải đương đầu với khó khăn thử thách lớn nhất trong gần 10 năm gắn bó với trang trại. Năm 2007, 2009 gia đình ông mạnh dạn thay đổi: cá chim, cá Rô phi (đơn tính) và cá vược biển được gia đình ông lựa chọn làm giống chủ đạo. Tuy nhiên, hai loại cá chim và cá vược biển lại không mang lại hiệu quả như mong muốn ban đầu, do đặc tính của cá chim "chịu rét kém" nên đã gây thất thoát nặng nề cho gia đình.
 
 Nhưng với niềm đam mê và ý trí kiên cường cùng niềm tin cao độ thì thất bại ấy là động lực cho ông cùng gia đình quyết tâm vượt lên khó khăn để xây dựng cơ ngơi khang trang như hiện nay.
 
Với sự mạnh dạn tiếp tục đầu tư và tự học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức thực tế và kỹ thuật nuôi cá, kết hợp với việc tìm hiểu và lựa chọn những giống cá phù hợp với điều kiện tự nhiên và thời tiết nên với mô hình nuôi cá kết hợp chăn nuôi lợn gia đình ông dần gặt hái được thành công.
 
Năm nay, gia đình ông tiếp tục đầu tư và thả 3 loại cá giống chủ đạo: 6 vạn cá Rô Phi( đơn tính), 3 vạn cá điêu hồng và 13 vạn cá Chép.
 
Sự thành công của mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm cho người chăn nuôi (tạo việc làm thường xuyên cho 8 công nhân với mức thu nhập 3.5- 5tr đồng/tháng), mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại tập trung, khép kín, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải, mang tính bền vững trong chăn nuôi đặc biệt nuôi lợn và cá.
 
Diệu Nhung