Với mục tiêu cải tạo đàn trâu nội nhằm nâng cao năng suất thịt và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng kỹ thuật lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) từ giống trâu Murrah (Ấn Độ) và đã mang lại kết quả khả quan.
 
 

 
Trâu nái của gia đình ông Nguyễn Văn Quán, thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên) được thụ tinh nhân tạo từ giống trâu Murrah sắp đến ngày sinh sản.
 
 
 
Niềm vui nông hộ
 
 
 
Cùng đoàn cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, chúng tôi đến gia đình ông Lương Văn Trắc, thôn Phúc Đình, xã Phúc Hòa chứng kiến con nghé lai sinh ra cách đây 20 ngày với đặc điểm ngoại hình nổi trội như vóc dáng cao, gốc sừng to, bụng phệ, da mỏng, gốc đuôi to.
 
 
 
Ông Trắc cho biết: Đây là lần thứ 5 trâu nái của gia đình sinh sản. Khác với 4 con trước, nghé con lần này sinh ra có trọng lượng khoảng 50 kg (nặng hơn 10 kg so với các con trước đó). Hiện nghé nặng hơn 60 kg, khỏe mạnh, dự kiến mỗi tháng sẽ tăng được 15-18 kg. 
 
 
 
Trâu Murrah có nguồn gốc từ Ấn Độ được nhập vào nhiều nước ở châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam. Khi trưởng thành, trâu có trọng lượng lớn, con đực đạt 600 kg, con cái 500 kg. Qua khảo sát của các chuyên gia, hiện tỉnh Bắc Giang có tổng đàn trâu khoảng 84 nghìn con, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên (chủ yếu là giống địa phương), tầm vóc nhỏ bé, sinh trưởng chậm, thành thục muộn, khoảng cách hai lứa đẻ dài, khả năng cho thịt thấp...
 
 
 
Tháng 12-2013, UBND tỉnh phê duyệt đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển trâu lai hướng thịt tại Bắc Giang". Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chủ trì, được triển khai ở huyện Tân Yên và Việt Yên, thời gian thực hiện hai năm.
 
 
 
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thành công trong công nghệ sản xuất tinh trâu Murrah dạng cọng rạ (hơn 6.000 liều) và đưa ra sản xuất rộng rãi ở các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội... Kết quả đã tạo được hơn 1.000 con trâu lai.
 
 
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Đại, Chủ nhiệm đề tài: Mục đích của việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật TTNT nhằm phát triển chăn nuôi trâu lai hướng thịt có khối lượng tăng so với trâu địa phương từ 15-20% và xây dựng được các mô hình chăn nuôi trâu lai hướng thịt quy mô hộ gia đình. Qua đây, chuyển giao quy trình kỹ thuật, góp phần làm thay đổi nhận thức của các hộ chăn nuôi trâu. Mỗi huyện chọn 6 xã nuôi nhiều trâu (mỗi xã 50 hộ) với số lượng 300 con nái đủ điều kiện để thực hiện thụ tinh nhân tạo.
 
 
 
Theo kế hoạch, trong hai năm (2014-2015), số trâu phối giống có chửa của hai huyện là 238 con, số nghé lai sinh ra năm 2015 là 113 con.
 
 
 
Hứa hẹn triển vọng mới
 
 
 
Một đặc điểm sinh sản của trâu đực Murrah là khó giao phối thành công với trâu cái nội nếu không huấn luyện. Tuy nhiên, nếu được nuôi ghép từ nhỏ sẽ khắc phục được điều này.
 
 
 
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện đề tài, Phòng phối hợp với UBND các xã tham gia mô hình chỉ đạo cán bộ thú y, khuyến nông thường xuyên kiểm tra, ghi chép sổ sách, hướng dẫn các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc. Dự kiến cuối tháng 10 sẽ có 119 nghé lai được sinh, bảo đảm đúng kế hoạch.
 
 
 
Hiện nay, thịt trâu ngày càng được đánh giá cao trên thị trường thế giới và được nhiều người ưa thích vì nhiều nạc, ít mỡ, lượng cholesterol ít hơn thịt bò 41%. Hằng năm, Việt Nam mổ thịt khoảng 500 nghìn con trâu, thu khoảng 100 nghìn tấn thịt, đứng thứ 6 và chiếm 3% tổng lượng thịt trâu thế giới.
 
 
 
Với việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo từ trâu Murrah mở ra triển vọng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi trâu lấy thịt ở tỉnh Bắc Giang. Qua đó, góp phần giúp nông dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
 
 
 
Công Doanh http://baobacgiang.com.vn/