Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường chăn nuôi ô nhiễm nặng nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm dễ phát sinh. Đặc biệt ở thời điểm giao mùa vào tháng 3,4 (âm lịch), thời tiết hay có biến đổi thất thường, ngày nắng, đêm gió lạnh, kéo theo mưa phùn, ẩm độ cao, vật nuôi không thích nghi kịp nên dễ bị nhiễm bệnh. Đối với trâu, bò một số bệnh thường nhiễm tại thời điểm này như: bệnh tụ huyết trùng, viêm phổi ở bê nghé non, lở mồm long móng, bệnh cảm lạnh. Trên đàn lợn có thể mắc một số bệnh như: tai xanh, lở mồm long móng, đặc biệt hay mắc bệnh truyền nhễm như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu. Riêng lợn con hay mắc hội chứng tiêu chảy, viêm phổi, Ecoli ... Với gia cầm, một số bệnh hay gặp như: bệnh Gumboro, Newcastle, bệnh cúm, hội chứng tiêu chảy. Thời điểm chuyển mùa cũng là thời điểm bệnh dễ xảy ra nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ phát sinh thành dịch do mầm bệnh (vi khuẩn, virus) có điều kiện thuận lợi để sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, qua gió, qua thức ăn, nước uống, vật dụng chuồng nuôi.
 
Để chủ động phòng bệnh, người chăn nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:
 
- Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Thú y: Đối với trâu, bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Với lợn, đảm bảo tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn, đóng dấu, bệnh tai xanh, lở mồm long móng. Với lợn nái, tiêm thêm vắc xin Leptospira, suyễn; lợn con tiêm Ecoli.
 
- Chú ý vệ sinh chuồng trại sạch sẽ: Vệ sinh cơ giới là quét dọn rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng, lưu ý khâu này cần được thực hiện hàng ngày. Sau khi vệ sinh cơ giới xong phun thuốc sát trùng, một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như: Vikol, Halamit, Benkocid, HanIodine. Việc phun phòng tốt nhất là phun định kỳ, diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và xung quanh. Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Hộ nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất cần có hệ thống Biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.
 
- Đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng: Ngoài lượng thức ăn, nước uống thường ngày cho đàn gia súc cần bổ sung các loại khoáng chất, Vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số Vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho vật nuôi ăn trực tiếp.
 
- Định kỳ thăm khám: Tiến hành kiểm tra thường xuyên đối với vật nuôi, nếu phát hiện vật nuôi không bình thường: bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm .. cần cách ly riêng để xử lý.
 
- Với gia súc, gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần chú ý đảm bảo các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Khi mới nhập đàn trong thời điểm này với trâu, bò ngoài việc tiêm phòng các vắc-xin thông thường cần tiêm phòng thuốc phòng ký sinh trùng đường máu. Tăng cường thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, nhất là ở các chợ kinh doanh động vật và sản phẩm động vật.
 
Nếu chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trên, người chăn nuôi sẽ đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là trong giai đoạn chuyển giao mùa như hiện nay.
 
                                                                                                          Hoàng Thoa (TH)