Hiện nay mô hình chăn nuôi lợn khép kín đang là hướng đi đúng đắn của nhiều bà con nông dân. Mô hình không chỉ giúp người nông dân thoát nghèo mà còn mở rộng quy mô chăn nuôi, phát triển kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm khả năng mắc và lây truyền bệnh dịch trên đàn vật nuôi.
Hướng tới mô hình chăn nuôi khép kín thì bà con cần nắm bắt kinh nghiệm, từng khâu kỹ thuật chăn nuôi lợn hiệu quả như cách xây dựng chuồng trại, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, cung cấp thức ăn cũng như phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, ở Bắc Giang có nhiều nông dân đã thành công với mô hình này điển hình như anh Nguyễn Văn Báo ở thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn với quy mô trang trại lớn và được xây dựng một cách khoa học. Khu chuồng lợn được xây dựng cạnh hồ nước rộng hơn 4 ha, không khí trong lành, yên tĩnh và được chia làm ba khu riêng biệt gồm: Khu chuồng chăn nuôi lợn nái sinh sản rộng hơn 1000 m2; khu chuồng chăn nuôi lợn hậu bị rộng 700 m2 và khu chuồng chăn nuôi lợn thương phẩm rộng hơn 500 m2. Hiện gia đình anh Báo thường xuyên duy trì chăn nuôi từ 200 - 300 con lợn thương phẩm và 70 con lợn nái ngoại. Với quy trình chăn nuôi lợn khép kín, chủ động hoàn toàn con giống và có khu vực chuồng trại chăn nuôi nằm cách xa khu dân cư nên công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn được thực hiện hiệu quả. Trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình anh Báo xuất bán từ 50 - 70 tấn lợn thương phẩm, thu về khoảng 300-500 triệu đồng.
Cũng với mô hình chăn nuôi khép kín như anh Báo, anh Nguyễn Văn Tứ ở thôn Sơn Quả 1, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa cũng là một hộ nông dân giỏi và thành công với mô hình này. Trang trại nuôi lợn của anh có diện tích 2200 m2, xây 6 chuồng khép kín có hệ thống làm mát vào mùa hè, trung bình 300 con/chuồng. Hiện trang trại của anh Tứ đang duy trì 210 lợn nái, 1200 lợn thương phẩm. Mỗi tháng cung cấp ra thị trường 30 tấn lợn thịt, xuất chuồng 100 lợn con và 650 tấn cám. Để chăn nuôi phát triển như ngày hôm nay, anh Tứ luôn tìm tòi, học hỏi từ những người có kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt công tác tiêm phòng dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại. Đặc biệt chú ý ngay từ khâu lựa chọn con giống. Đó là hai trong số rất nhiều hộ nông dân đã thành công nhờ mô hình nuôi lợn khép kín. Để chăn nuôi lợn mang lại kết quả lợi nhuận cao, nhiều nông dân đã tìm cách phối trộn cám, học cách tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho lợn, tự sản xuất con giống, giúp hạ chi phí đầu vào.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn khép kín
Theo kinh nghiệm của các hộ nông dân để xây dựng mô hình khép kín thì quan trọng nhất là ở khâu chọn giống và kỹ thuật chăm sóc. Trong chọn giống nên chọn lợn có tỷ lệ nạc cao, thân dài, mông nở, bụng thon, chọn giống ở những cơ sở có uy tín, đảm bảo. Biết phân lô, phân đàn cho lợn con và cho ăn theo đúng tiêu chuẩn khẩu phần sao cho phù hợp. Ngoài ra cần phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn đúng cách, tiêm vacxin phòng bệnh dịch cho đàn lợn. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại vật nuôi. Cùng với kỹ thuật chăn nuôi bà con nông dân nên xây dựng hố đựng chất thải, hầm Biogas hay đệm lót sinh học để xử lý chất thải, ngăn ô nhiễm môi trường đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Để nhân rộng mô hình chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần có sự hợp tác nhằm tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi và cách phòng trừ bệnh dịch cho bà con nông dân. Sự thành công của mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của bà con nông dân sang hình thức nuôi trang trại tập trung, khép kín, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường do chất thải, mang tính bền vững trong chăn nuôi./.
Hồng Quân.
Tin liên quan:
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Lạng Giang: Cán bộ khuyến nông thành công với mô hình vỗ béo bò thịt (30-08-2022)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)