Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới, nông nghiệp Bắc Giang có tốc độ phát triển cao, đóng góp đáng kể vào phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển đó, cũng dẫn đến những quan ngại về môi trường, do chất thải chăn nuôi chưa được xử lý đúng quy trình.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 588 trang trại chăn nuôi với hàng vạn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nhưng việc quy hoạch phát triển chăn nuôi tổng thể vẫn chưa thống nhất, phân bố, mật độ trang trại có sự khác biệt lớn giữa các vùng, năng suất lao động không cao, các công nghệ xử lý môi trường chưa thực sự được quan tâm.
Cũng như vậy, quy mô chăn nuôi nông hộ cũng chỉ cho năng suất thấp, khó cạnh tranh, phân tán, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc quản lý dịch bệnh. Công trình khí sinh học đã được triển khai nhưng chỉ chiếm hơn 50% số hộ chăn nuôi. Với các hầm khí biogas vừa và lớn, hầu hết không sử dụng hết khí và phần lớn thải ra môi trường.
Ảnh: Quản lý chất thải chăn nuôi là vấn đề đặt ra với nhiều hộ chăn nuôi. (Ảnh mang tính chất minh họa)
Theo thống kê của các ngành chức năng, việc xử lý chất thải rắn (bao gồm: phân, thức ăn thừa, xác gia súc, dụng cụ thú y…) trong chăn nuôi vẫn còn khoảng 40 – 70% được ủ làm phân bón, khoảng 30 – 60% xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc phần nhỏ được xử lý bằng biogas. Hầu hết các cơ sở chăn nuôi không có nhà máy xử lý hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn TCVN 37775 – 83.
Các chất thải rắn khác như dụng cụ chăn nuôi, vật tư thú y,… hầu như chưa được xử lý. Bên cạnh đó, việc xử lý chất thải lỏng (bao gồm: nước tiểu, nước tắm cho vật nuôi, nước rửa chuồng trại, nước từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm) có khoảng 30% xử lý qua hầm Biogas, 30% bằng hồ sinh học, 40% còn lại là dùng trực tiếp tưới hoa màu, nuôi cá hoặc đổ ra môi trường. Ngoài ra, chất thải khí (bao gồm CO2, NH4, CH4, H2S,…) gây ô nhiễm môi trường và mùi.
Trước thực trạng trên, đã có nhiều ý kiến của các ngành chức năng đưa ra để giải quyết những khó khăn tồn tại trong quản lý chất thải chăn nuôi như: cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường chăn nuôi; rà soát, bổ sung, xây dựng các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật, quy trình khảo, kiểm nghiệm vật nuôi phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong chăn nuôi và môi trường chăn nuôi; tăng ngân sách đối với các hoạt động điều tra, khảo sát về môi trường chăn nuôi, hỗ trợ bảo vệ môi trường; ưu tiên cho các chính sách tài chính, hoạt động phát triển chăn nuôi gắn liền bảo vệ môi trường; khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và tầm ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Ngoài ra, phải kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý cấp trên về các vùng, cơ sở ô nhiễm môi trường để sớm có phương án quản lý và khắc phục hiệu quả…
Được biết, hiện nay, Dự án LCASP tỉnh Bắc Giang đang tiến hành lựa chọn hộ thí điểm quản lý, sử dụng chất thải chăn nuôi lợn trong hệ thống trang trại. Theo Tiến sĩ Nông học Bùi Thế Hùng, điều phối viên dự án, việc lựa chọn mô hình thí điểm này nhằm xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi; giúp hộ chăn nuôi làm ra nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ chất lượng cao; tạo khí sinh học chạy máy phát điện; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời qua đây, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình sẽ được triển khai, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng trong thời gian tới./.
Theo BGĐT
Tin liên quan:
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Lạng Giang: Cán bộ khuyến nông thành công với mô hình vỗ béo bò thịt (30-08-2022)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)