Với mục tiêu cải tạo đàn trâu, bò nội nhằm nâng cao năng suất thịt và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, tỉnh Bắc Giang đã ứng dụng kỹ thuật lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) từ giống trâu Murrah (Ấn Độ) và mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt bằng giống bò lai F1 BBB, tinh bò lai BBB đã mang lại kết quả khả quan.
Năm 2014, là năm đầu tiên Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang triển khai mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt giống bò lai F1 BBB với số lượng 05 con tại các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, sau 10 tháng nuôi, từ trọng lượng ban đầu 150-170 kg/con bò lai F1 BBB tăng lên 450-470 kg/con. Đây là giống bò lai mới, lần đầu tiên đưa vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Qua thực tế chăn nuôi thấy, bò lai F1 BBB phàm ăn, chóng lớn, tăng trọng nhanh ở giai đoạn trên 300kg (1-1,2kg/con/ngày) so với bê lai Sind nếu chăm sóc tốt tăng trọng cũng chỉ đạt 0,6-0,7kg/con/ngày; tỷ lệ phối giống có chửa đối với tinh bò BBB đạt 33% nhưng trọng lượng bê lai sơ sinh đạt cao 32-35 kg/con. Ông Nguyễn Văn Bộ ở thôn Quế Sơn, xã Thái Sơn là hộ trực tiếp tham gia mô hình cho biết, giống bò lai F1 BBB dễ nuôi, tăng trọng nhanh phù hợp với điều kiện của gia đình. Nhận thấy hiệu quả mang lại, ông Bộ đã mạnh dạn tham gia chương trình phối giống cho bò cái bằng tinh bò lai BBB, kết quả cho ra đời cặp bê sinh đôi, khỏe mạnh, lớn nhanh, phát triển cân đối, đặc biệt bê lai có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với bê nội. Đến nay, có trên 200 bê lai F1 hướng thịt được sinh ra. Nhằm tiếp tục đưa các con giống mới vào nhằm cải tạo đàn bò cỏ của tỉnh. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông triển khai chương trình thụ tinh nhân tạo bằng tinh bò giống Charalais với 2000 liều tinh, tỷ lệ phối giống có chửa đạt trên 70%. Trung tâm thường xuyên chỉ đạo cán bộ kỹ thuật theo dõi đàn bò cái được phối giống và đánh giá kết quả vào năm 2017. Tỉnh Bắc Giang, có rất nhiều điều kiện tự nhiên, đất nông nghiệp thích hợp với chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, nuôi bò chất lượng cao đòi hỏi có đầu tư và kỹ thuật. Vì vậy, điều kiện để hộ chăn nuôi tham gia là phải có bò cái nền đạt tiêu chuẩn, đầu tư kinh phí lớn để nuôi bê, yêu cầu lao động đủ khả năng chăn nuôi và tiếp nhận khoa học kỹ thuật khi tập huấn.
Đàn trâu toàn tỉnh tính đến nay có khoảng 60 nghìn con chủ yếu là trâu địa phương, tập trung ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Sơn Động, chiếm trên 50% tổng đàn. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chủ yếu là tận dụng điều kiện tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Khuyến nông ký hợp đồng với Trung tâm Nghiên Cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền Núi triển khai dự án: “Phát triển giống trâu giai đoạn 2011-2015” tại 7/10 huyện gồm Lạng Giang, Tân Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên và Thành Phố Bắc Giang. Tham Gia mô hình, hộ nông dân được hỗ trợ 100% tiền mua tinh, dẫn tinh viên tham gia phối tinh cho trâu nái được hỗ trợ 50% tiền công phối giống và tập huấn hướng dẫn kỹ thuật. Tỷ lệ phối giống có chửa đạt 49%, nghé lai sơ sinh có trọng lượng 35-40 kg/con, cao hơn nghé nội từ 7-10 kg/con. Năm 2015 giao được 1800 liều tinh tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên và Hiệp Hòa. Năm 2016, thực hiện Quyết định 50/2014/QĐ-TTg và Quyết định 668/2015/QĐ-UBND, của UBND tỉnh Bắc Giang về việc quy định hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông triển khai được 700/2400 liều tinh phối giống cho trâu nái. Kết quả trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 500 nghé lai Murah được sinh ra. Bà Vũ Thị Hoa ở thôn Cây Táo, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang là một trong những hộ chăn nuôi tham gia phối tinh cho trâu nái bằng tinh trâu Murah được 4 lứa khẳng định, nghé lai Murah có ưu điểm vượt trội so với nghé nội về ngoại hình, phàm ăn, trọng lượng nghé sơ sinh cao hơn từ 8-10 kg/con, tương đương 25-30% chỉ sau 2 tháng nuôi, trong khi đó nghé nội phải nuôi 4-5 tháng. Trước kia, khi nuôi nghé nội được 7-8 tháng xuất chuồng bán khoảng 12-14 triệu/con nhưng với nghé lai Murah thì chỉ 4-6 tháng được bán với giá khoảng 14-18 triệu/con.
Để các hộ chăn nuôi đại gia súc có thêm kiến thức về chăn nuôi các loại đối tượng con, giống mới. Hàng năm Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò lai hướng thịt gắn với việc xác định thời điểm phối giống thích hợp ở trâu, bò cái; giải pháp phát triển nguồn thức ăn cho trâu, bò; đôn đốc nhắc nhở các hộ thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng các giống trâu, bò mới.
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang nhấn mạnh, giải pháp thụ tinh nhân tạo bằng tinh trâu Murah, tinh bò lai BBB là hướng đi đúng và phù hợp với điều kiện hiện nay của tỉnh. Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các đồng chí dẫn tinh viên tham gia các lớp tập huấn nâng cao tay nghề thụ tinh nhân tạo để nâng tỷ lệ phối giống có chửa đạt cao hơn nữa. Đối với một số huyện vùng cao có số lượng đàn trâu bò lớn khi công tác thụ tinh nhân tạo chưa đến được với bà con thì có thể hỗ trợ trâu đực giống, bò đực giống để cải tạo tầm vóc cũng như chất lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Văn Bằng
Tin liên quan:
- Hội thảo khoa học: Mô hình chăn nuôi bò thịt lai (Blanc-Blue-Belge) thương phẩm thành hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (23-10-2024)
- Lạng Giang: Cán bộ khuyến nông thành công với mô hình vỗ béo bò thịt (30-08-2022)
- Nuôi thỏ, trồng rau công nghệ cao, nông dân giỏi ở Bắc Ninh là những tỷ phú, triệu phú (16-08-2022)