Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, đến ngày 9-3, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 33 huyện của 13 tỉnh, thành phố trong cả nước là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định. Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy hơn 11,3 nghìn con.
 
 
 

 
Ông Ngô Xuân Lương, Chủ tịch Hội chăn nuôi lợn sạch Tân Yên hướng dẫn hội viên kê khai, ký cam kết chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
 
 Đặc biệt, dịch đã xuất hiện tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là địa phương tiếp giáp với huyện Hiệp Hòa và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) tiếp giáp với huyện Sơn Động (Bắc Giang).
 
Quyết tâm ngăn chặn bệnh dịch, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra việc thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP tại các xã, phường, thị trấn, trang trại và hộ chăn nuôi. Các huyện, TP yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Đồng thời thành lập nhiều tổ kiểm tra liên ngành cơ động kiểm tra việc phòng, chống bệnh dịch tại các điểm giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trên các trục đường giao thông qua địa bàn.
 
 
Cán bộ thú y xã Cao Xá (Tân Yên) hướng dẫn các hộ chăn nuôi phun hóa chất tiêu độc, khử trùng.
 
Ông Lê Văn Dương, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, cùng với huyện Lạng Giang và Sơn Động, Hiệp Hòa đã thành lập 5 chốt kiểm soát việc vận chuyển lợn trên quốc lộ 37 đi Thái Nguyên và các xã tiếp giáp với các xã có ổ dịch của Thái Nguyên (một chốt do UBND huyện thành lập tại thôn Tam Hợp, xã Thanh Vân trên quốc lộ 37 đi huyện Phú Bình (Thái Nguyên); 4 chốt do các UBND xã Hoàng Thanh, Đồng Tân, Thanh Vân và Hoàng Lương thành lập (đây là các xã tiếp giáp với huyện Phú Bình). 
 
 
Các hộ chăn nuôi tại Hiệp Hòa chủ động rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng môi trường chăn nuôi.
 
Thời điểm này, các huyện, TP đang chỉ đạo cơ sở khẩn trương thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; dành kinh phí mua hơn 10 nghìn tấn vôi bột. Trong đó, các xã dự trữ từ 3 đến 5 tấn vôi bột phục vụ phòng, chống dịch bệnh động vật (riêng Lạng Giang mỗi xã dự trữ từ 5-10 tấn vôi bột) để rắc vôi bột chuồng trại, khu vực chăn nuôi và đường làng, ngõ xóm... 
 
Để tăng tính chủ động, các huyện, TP đã trích ngân sách mua hơn 7 nghìn lít hóa chất thực hiện tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch. Cụ thể: Lạng Giang 750 lít, Tân Yên 3.000 lít, Lục Nam 1.000 lít, Yên Dũng 970 lít, TP Bắc Giang 600 lít, Việt Yên 150 lít, Yên Thế 800 lít.
 
Đến nay, chưa phát hiện trường hợp lợn có dấu hiệu nghi mắc bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
 
Theo baobacgiang.com.vn