Hiện nay, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nước ta được đánh giá là có tốc độ phát triển khá nhanh trong toàn bộ cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán nên việc quản lý dịch bệnh rất khó khăn.
Theo thông báo của cơ quan thú y, trong 2 tháng đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt có sự xuất hiện của các vi-rút độc lực cao như cúm A/H5N1, H5N6, H5N8, H7N9... Tại một số tỉnh của Trung Quốc đã phát hiện vi-rút H7N9 trên đàn gia cầm và trong môi trường.
 
Tại Việt Nam, cúm A/H5N1 và H5N6 đã xuất hiện ở một số tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 10.000 con gia cầm mắc bệnh và phải tiêu hủy. Hiện cả nước ghi nhận 5 tỉnh có các ổ dịch, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp và khó kiểm soát, nhất là với cúm A/H7N9 .
 
Để giúp bà con ứng phó hiệu quả, cũng như có các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hạn chế nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, Chương trình “Tư vấn Khuyến nông” chuyên đề: Cúm gia cầm và giải pháp ứng phó đã được thực hiện trên Kênh truyền hình Nông nghiệp Nông thôn VTC16.
 
 

Chương trình "Tư vấn khuyến nông" chuyên đề: Cúm gia cầm và các giải pháp ứng phó
Thông qua chương trình, TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT và TS. Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn và giải đáp trực tiếp các câu hỏi của bà con nông dân về cúm gia cầm và các giải pháp ứng phó với dịch bệnh qua số điện thoại tổng đài 1900 6145.
 
Theo TS. Hạ Thúy Hạnh, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm có tính lây lan mạnh với tỷ lệ gia cầm chết cao, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy cần chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và quản lý tốt đàn gia cầm. Hiện nay nguy cơ bệnh cúm A H7N9 rất cao do bệnh khó phát hiện vì không có biểu hiện lâm sàng trên gia cầm. Đặc biệt khi lây nhiễm sang người thì người mắc bệnh có nguy cơ tử cao, trên 35%. Vì tính chất nguy hiểm của dịch cúm A/H7N9, khuyến cáo người chăn nuôi, khi phát hiện đàn gia cầm mắc bệnh, cần báo cho cơ quan thú y địa phương để thực hiện việc tiêu hủy theo Luật Thú y.
 
TS. Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đã tư vấn cho người chăn nuôi về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, việc tăng cường quản lý vận chuyển và ngăn chặn nhập lậu gia cầm qua biên giới là rất cần thiết.
 
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia cũng trả lời các câu hỏi trực tiếp của nông dân qua tổng đài 1900 6145 về phòng chống bệnh cúm gia cầm, kỹ thuật chăn nuôi vịt chạy đồng, yêu cầu tiêu hủy, các chính sách hỗ trợ khi tiêu hủy gia cầm khi có dịch, các yêu cầu kỹ thuật khi tái đàn sau dịch cúm.
 
Qua chương trình, các chuyên gia muốn truyền tải thông điệp, để chăn nuôi đạt hiệu quả, ứng phó tốt với dịch cúm gia cầm, đặc biệt là cúm A/H7N9, người chăn nuôi cần lưu ý, thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, đầy đủ đúng kỹ thuật. Cần tăng cường quản lý việc vận chuyển gia cầm, buôn bán, giết mổ gia cầm, mặt khác cần tiếp tục mở rộng các mô hình cung cấp gia cầm giống tại chỗ cho người chăn nuôi ở các tỉnh sát biên giới để giảm việc nhập lậu gia cầm qua biên giới ở các tỉnh phía Bắc. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin tuyên truyền để tư vấn, hướng dẫn cho bà con những kiến thức cần thiết, các giải pháp ứng phó với dịch cúm gia cầm.
 
                                                                                                                                                                                                                      Theo KHQG