Dẫn khách đi thăm khu chăn nuôi của gia đình, ông Nguyễn Văn Phấn, thôn Dinh, xã Xương Giang (thành phố Bắc Giang) cẩn thận mở nắp một chiếc thau nhựa cỡ lớn, bên trong, hàng trăm chú dế nhỏ xinh màu nâu bóng đang nhảy lách tách.
 
Hành trình nuôi loài côn trùng đặc sản này bắt đầu từ mấy tháng trước, khi ông Phấn đến thăm một mô hình nuôi dế tại huyện Lục Nam. Nhận thấy cách nuôi không khó, trong khi đầu ra của dế thương phẩm, dế giống khá dồi dào, giá bán dế thương phẩm cao nên ông Phấn mua 3 ổ dế giống về nhà. Trong căn nhà ngang, ông dựng lên những giàn bằng gỗ sắt, ổ dế được bố trí trong những thau nhựa to có nắp đậy bằng lồng bàn nhiều ô thoáng, bên trong úp một chiếc rế bằng tre. Ông Phấn cho biết: “Với nhiều mô hình chăn nuôi khác, vốn đầu tư ban đầu rất lớn nhưng nuôi dế chỉ tốn vài triệu đồng vẫn có thể thu lời cao. Khu nuôi dế không cần xây dựng kiên cố, có thể tận dụng diện tích trên tầng thượng, nhà ngang, chuồng nuôi lợn, gà đã bỏ không… Thức ăn của dế là cám ăn thẳng của gà con và những thứ phụ phẩm dễ kiếm, giá rẻ như lá rau xanh, cỏ, cà rốt… Khi dế còn non lượng cám khoảng 3% trọng lượng dế, cho ăn theo bữa, mỗi bữa cách nhau khoảng 4 - 6 giờ, cỏ được rửa sạch, nếu chuẩn bị cỏ từ trước đã ráo nước thì phun nước cho cỏ hơi ướt rồi bó thành từng bó nhỏ cỡ bằng nắm tay để trong thùng nuôi cho dế ăn và leo trèo, khi dế lớn cần san bớt sang thùng nuôi khác tránh mật độ quá dầy. Khi dế đã trưởng thành tỷ lệ ghép đôi giao phối là 1 đực với 1,5 - 2 cái, mật độ nuôi là 30 - 40 con/m2. Cho dế uống bằng cách phun sương vào cỏ và thành thùng nuôi, cần tránh địch hại là các loài vật khác như mèo, chuột, kiến... Đối với kiến cần phòng bằng cách làm rãnh nước xung quanh khu, mới đầu nuôi ít ông đặt các thùng nuôi trên giá có chân giá ngâm trong bát nước, với chuột thì dùng bẫy bả sinh học
 
Như gia đình ông, từ tháng 9 - 2009 nuôi 3 ổ dế giống đầu tiên, giá 600 nghìn đồng/ổ. Mày mò học cách nuôi và nhân đàn, đến nay ông Phấn đã có 150 ổ dế giống. Với giá bán từ 500 - 600 nghìn đồng/ổ, đàn dế cho thu lãi hàng chục triệu đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, Vĩnh Phúc…
 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phấn, do dế là loại côn trùng mẫn cảm với hoá chất nên người nuôi cần lưu ý chọn các loại rau, cỏ sạch, không chứa hoá chất, thuốc trừ sâu. Ngoài chất xơ, ông mua thêm loại cám tổng hợp dùng cho gà con nghiền nhỏ làm thức ăn bổ sung cho dế. Môi trường nuôi dế luôn được giữ sạch, không có bụi bẩn, không ở gần những nơi bị ô nhiễm. Mùa đông phải quây bạt hoặc đóng cửa kín khu chăn nuôi, thắp bóng điện để tăng nhiệt độ. Mùa hè làm cho chuồng nuôi thoáng mát, mật độ nuôi thưa hơn mùa đông. Theo dõi kỹ chu kỳ sinh trưởng của dế là cách để phát hiện khi nào thì chúng đẻ để làm khay và ấp trứng. Ông Phấn cho biết: “dế con lột xác 3 lần, mọc cánh, cất tiếng gáy thì bắt đầu sinh sản. Cứ tối đến đưa những con dế thành thục vào khay cho dế đẻ, ban ngày lại đưa ra ngoài, những trứng dế được đưa từ khay sang một cái thùng giữ ở nhiệt độ 25 - 300 C để ấp”. Do dế nuôi được 50 ngày (ở mùa hè) và 60 - 70 ngày (ở mùa đông) đã bắt đầu sinh sản và đẻ liên tục trong 20 - 25 ngày ở chu kỳ một vòng đời nên nhân đàn dế khá nhanh.
 
Hiện nay, dế là một đặc sản khá đắt giá trong thực đơn của nhiều nhà hàng, khách sạn lớn, khả năng cung cấp sản phẩm này chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nuôi dế là một hướng đi thích hợp với nhiều hộ gia đình bởi vốn đầu tư thấp, dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi dế của gia đình ông Nguyễn Văn Phấn là một trong những địa chỉ mà bà con nông dân có thể tham khảo, học tập./.
 
Thy Lan