Nền kinh tế ngày một phát triển, kéo theo đó là nhu cầu của người dân ngày được nâng cao. Song song với sự phát triển và để đáp ứng nhu cầu của người dân, trong những năm gần đây, trên cả nước nói chung và tỉnh Bắc Giang nói riêng đã có nhiều hộ gia đình tìm kiếm, phát triển chăn nuôi một số loài động vật quý đem lại lợi nhuận kinh tế cao điển hình như: Mô hình nuôi Ba ba của gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh xóm Trại Tây – xã Song Mai – Thành phố Bắc Giang, mô hình nuôi Dê tại Phong Vân – huyện Lục Ngạn, chăn nuôi Lợn rừng tại Lục Nam… Không dừng lại với việc nuôi các động vật trên thì hiện nay tại huyện Hiệp Hoà đã có nhiều gia đình chăn nuôi loài động vật hoang dã mà điển hình là con Hươu. Đây là một ngành chăn nuôi đặc biệt đem lại hiệu quả kinh tế cao và cũng là hướng đi mới trong phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.
Được sự giới thiệu của một thành viên trong Hợp tác xã nuôi Hươu huyện Hiệp Hoà chúng tôi tìm đến nhà bác Mẫn Hoài Thanh tại thôn Đại Đồng I, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hoà – một gia đình tiên phong trong việc nuôi hươu và có số lượng Hươu lớn nhất tại huyện. Không mấy khó khăn để chúng tôi tìm đến nhà bác. Với nụ cười tươi tắn, thân thiện bác và người con trai thứ hai tiếp chúng tôi, dẫn chúng tôi đi thăm quan các khu chuồng nuôi hươu với số lượng 20 con trong đó tại khu chuồng nuôi hươu lấy nhung được chia thành 16 ô chuồng, mỗi ô chuồng rộng khoảng 5m2 với 16 con hươu đang cho thu nhung; khu chuồng nuôi hươu sinh sản có 02 cặp mẹ con, khu chuồng này rộng hơn và có sân chơi cho Hươu con. Vừa thăm quan bác vừa cho chúng tôi biết về ý tưởng và bước khởi đầu bác đến với nghề nuôi hươu: Ban đầu gia đình bác thực hiện dự án nuôi bò Lai Sin với số lượng 16 con nhưng khi nuôi thấy cho lãi thấp và nhà lại ít người nên rất vất vả trong việc chăm sóc đàn bò nên bác luôn trăn trở với suy nghĩ nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế cao. Qua một chương trình trên ti vi nói về việc thuần dưỡng loài Hươu sao hoang dã thành vật nuôi lấy nhung cho hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng những trăn trở bấy lâu bác đã mạnh bạo quyết định tìm tòi kỹ thuật nuôi Hươu lấy nhung qua sách báo và tại các trang trại Hươu tận Hà Tĩnh, Nghệ An…. Năm 2007, Bác Thanh cùng người con trai thứ hai lặn lội vào huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh để tìm mua giống và học hỏi kỹ thuật nuôi. Ban đầu do vốn có hạn, kinh nghiệm chưa có lại băn khoăn liệu hươu có chịu được thời tiết ở miền Bắc không, nên bác đầu tư nuôi thử nghiệm 03 con. Trong quá trình nuôi nhận thấy loài Hươu khi được con người thuần dưỡng rất dễ thích nghi với khí hậu, sinh sôi và phát triển tốt, dễ chăm sóc nên bác đã tiếp tục đầu tư lên đến 10 con và hiện tại là 20 con.
Tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, quá trình phát triển của Hươu, anh Giang – người trực tiếp chăm sóc đàn Hươu cho biết: Nuôi hươu không khó, bởi chúng không kén thức ăn, có khả năng ăn tất cả các loại lá cây, rau và cỏ. Hơn nữa chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. Một con Hươu trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 5 – 7kg cỏ hoặc lá cây, vào mùa cắt nhung thì cho chúng ăn thêm tinh bột (cám gạo hoặc cám ngô) khoảng 300 – 500 g/ngày và những loại lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ… thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn.
Nuôi Hươu con sau khi tách mẹ thì mất 2 năm sẽ cho thu nhung. Một năm thường thu một lần chính và một lần phụ. Nhung thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt mất khoảng 50 – 55 ngày (nhung cho chất lượng tốt nhất là khi cao khoảng 22 – 25 cm). Sau khi cắt đợt 1 thì khoảng 20 – 30 ngày được cắt đợt 2 (đợt phụ và gọi là nhung chồi), tuy nhiên lượng nhung thu được ít và tuỳ vào từng con Hươu mới cho nhung đợt 2. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc và được khử trùng cẩn thận, cắt song phải tiến hành cầm máu nhanh để tránh mất sức cho Hươu. Sau đó cho Hươu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức.
Hỏi về đầu ra cũng như hiệu quả từ chăn nuôi Hươu, anh Giang tươi cười nói: Nhu cầu mua nhung trên thị trường hiện nay lượng cung không đủ cầu, nhiều khách hàng phải đặt hàng từ đầu mùa thu hoạch (nhung thường thu hoạch vào tháng 1, 2 hàng năm) hoặc năm trước sang năm sau mới được. Bình quân mỗi năm thu nhung từ Hươu được khoảng 0,7 – 1 kg/con. Hiện tại giá bán nhung Hươu từ 1 triệu – 1,2 triệu đồng/lạng, do đó mỗi năm thu được khoảng 7 triệu – 12 triệu đồng/con. Trừ chi phí về thức ăn, thuốc trong một năm hết khoảng 800.000 đồng/con thì cũng cho lãi hơn trăm triệu/năm với số lượng 16 con Hươu cho nhung.
Nhận thấy nghề nuôi Hươu đang có chiều hướng phát triển và là vật nuôi có khả năng xóa đói giảm nghèo tuy nhiên giá thành cho con giống là rất đắt (Hươu giống nuôi khoảng 6 tháng có giá 7- 8 triệu đồng/con, nuôi đến khi gần được lấy nhung thì khoảng 10 -12 triệu đồng/con) do vậy nhiều người dân có ý tưởng nuôi Hươu nhưng thiếu vốn nên gia đình bác dự định sẽ đầu tư mở rộng thêm đàn nuôi hươu lấy nhung lên khoảng 30 con, đồng thời mở rộng nuôi hươu cái để bán con giống cho bà con nông dân nhằm phát triển kinh tế gia đình.
Với điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên tôi tin chắc rằng hướng phát triển mới trong nghề chăn nuôi sẽ ngày một phát triển trên địa bàn toàn tỉnh./.
Đỗ Văn Tình
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)