Mô hình nuôi nhím trên đất gò đồi ở xã gio Hòa, huyện gio Linh, tỉnh Quảng Trị, được xem như một diểm nhấn trong việc phát triển kinh tế nông thôn. Nuôi nhím rễ hơn nuôi lợn nhiều lần, ít rủi ro song lãi xuất cao.
 
Ông Võ Văn Quang ở thôn Nhất Hoà, xã Gio Hoà cho biết trước đây ông làm rất nhiều việc để cải thiện kinh tế gia đình song vẫn không ăn thua. Sau khi học hỏi thông tin từ Trạm Khuyến nông-khuyến ngư huyện Gio Linh, năm 2007, ông quyết định bắt tay vào nghề nuôi nhím. Lợi thế của vùng đất xã Gio Hoà là địa hình trung du gò đồi, có nhiều thức ăn phù hợp với việc nuôi nhím.
 
Ban đầu ông cứ ngỡ vạn sự khởi đầu nan với nghề nuôi nhím chắc ít nhiều cũng “phải trả học phí”. Nhiều đêm liền vợ chồng ông căng thẳng, ngủ không được, sợ rằng lần này không thành công với nuôi nhím thì gia đình sẽ sạt nghiệp. Thế nhưng bắt tay vào nuôi nhím mới thấy công việc này rất dễ, khoẻ hơn nuôi lợn nhiều. Sau bốn năm nuôi nhím, cơ sở của ông Quang có hơn 70 con nhím, trong đó hơn 15 nhím mẹ đang sinh sản.
 
Nhím sinh sản bình thường mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 con, cá biệt có khi đến 3 con. Nhím con được chăm sóc từ 2 đến 3 tháng thì xuất giống. Sau 7 đến 8 tháng nữa có thể xuất nhím thịt. Nhím trưởng thành nặng khoảng 20 đến 30 kg.
 
Theo ông Quang, không chỉ nuôi ở mặt đất, mà có thể nuôi nhím trên sân thượng nhà cao tầng. Quan trọng là đầu tư chuồng trại cẩn thận, chu đáo. Diện tích chuồng nuôi nhím không cần rộng lắm, trung bình 1m2/con. Chuồng nhím nên làm nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt và nắng nóng, bảo đảm khô sạch, thoáng mát. Chuồng được xây bằng gạch, nền bằng bê tông dày đến 10cm, có độ nghiêng để thoát nước và phòng nhím đào hang chui ra. Xung quanh chuồng rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5m. Chuồng nào nuôi cả con đực và con cái phải cao trên 3 m.
 
Nhím là loài ăn tạp với số lượng khoảng 2 kg thức ăn/con/ngày. Thức ăn của nhím rất phong phú như: côn trùng, giun, ốc, cá, rễ, lá, mầm cây, rau, củ, quả, kể cả những loại chát, đắng. Đối với thời gian nhím sinh sản cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường... để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai. Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển. Nhím ăn rau, củ, quả nên ít uống nước, song không nên để thiếu nước trong chuồng.
 
Chi phí thức ăn nuôi nhím rất thấp, mỗi ngày một con nhím ăn hết phần thức ăn trị giá khoảng 1.500 đồng, mỗi tháng chỉ mất 45 ngàn đồng. Song 7 đến 8 tháng sau bán mỗi con nhím gần 10 triệu đồng, lãi to. Chỉ tính riêng năm 2010, ông Quang thu về hơn 100 triệu đồng từ bán nhím giống, trung bình 15 đến 17 triệu/cặp. Hiện nhu cầu nhím giống rất lớn nhưng ông Quang không đủ giống để cung cấp. Ông Quang nói điều kiện tự nhiên ở xã Gio Hoà và miền tây huyện Gio Linh rất thuận lợi để phát triển nuôi nhím trên diện rộng, nuôi nhím lãi cao mà ít rủi ro, đây là cách giúp bà con thoát nghèo rất nhanh.
 
Ông Nguyễn Văn Nghệ - Phó Văn phòng UBND huyện Gio Linh, cho biết: "Ông Quang không những là người đi đầu trong việc nuôi nhím vùng gò đồi góp phần phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn, mà còn tạo nhiều điều kiện cho người dân cùng nhau làm giàu”.
 
Báo Nông nghiệp Việt Nam