Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã Đồng Sơn đã tập trung cao chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhờ đó, những mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao ở đây ngày càng nhiều…
Không cam chịu đói nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là tâm niệm của anh Nguyễn Văn Ánh, thôn Tân Mỹ. Bởi vậy, anh đã cất công đi tham quan nhiều trang trại nuôi nhím ở các tỉnh, thành phố trong nước để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2009, anh vay hơn 200 triệu đồng vốn ngân hàng để mua 16 cặp nhím giống và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi. Vừa nuôi vừa mày mò học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đến nay trong chuồng nhà anh Ánh đã có 14 cặp nhím sinh sản. Anh Ánh chia sẻ kinh nghiệm: Loài nhím dễ nuôi bởi sức đề kháng rất cao, ăn tạp. Người nuôi có thể tận dụng tất cả các loại rau, củ quả trong vườn nhà và ở địa phương làm thức ăn cho nhím. Tuy nhiên, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thức ăn không có chất hoá học, nhím mới khoẻ mạnh, sinh sản đều. Bình quân mỗi năm, đàn nhím của anh Ánh đẻ được hơn 20 cặp nhím con, với giá bán trên thị trường 12 triệu đồng/ đôi nhím giống, trừ chi phí gia đình anh lãi khoảng 150 triệu đồng/năm. Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi con đặc sản này, nhiều người dân địa phương và ở các nơi đã đến học hỏi kinh nghiệm làm theo và được anh Ánh nhiệt tình phổ biến kinh nghiệm. Ngoài ra, gia đình anh Ánh còn chăn nuôi lợn nái, gà và cấy hơn 1 mẫu lúa. Chất thải chăn nuôi được anh thu gom đưa vào hầm khí bi-ô-ga nên vừa tạo được chất đốt vừa tránh ô nhiễm môi trường. Trừ chi phí, tổng thu nhập của gia đình anh Ánh khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Phạm Văn Huy ở thôn Đồng Quan lại chọn hướng khác. Là hộ có truyền thống mấy chục năm nuôi cá thịt, song nhận thấy nhu cầu về cá giống của người dân trong và ngoài tỉnh ngày càng tăng, từ năm 2007, anh Huy đã mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng để mua đất, xây dựng khu trang trại nuôi cá cảnh và cá thịt rộng 13 nghìn m2 gồm các ao nuôi cá bố mẹ, ao ương cá giống, nhà để các bể cá cảnh, khu làm bể cá, cây cảnh. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, đến nay, trại cá giống của anh Huy đã nổi tiếng khắp vùng. Theo anh Huy, để các ao cá giống khoẻ mạnh hàng tháng phải vệ sinh ao sạch sẽ, khử trùng và cho cá ăn thuốc phòng bệnh. Hiện trại cá của anh Huy có 30 loài cá cảnh. Khách hàng từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đến mua buôn và mua lẻ cá cảnh số lượng lớn từ trại cá của anh. Không chỉ có vậy, anh Huy còn bán bể, thức ăn cho cá và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cảnh cho mọi người. Trại cá của anh tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 công nhân với lương bình quân 2 triệu/người/tháng. Mỗi năm trừ chi phí, anh Huy thu lãi hơn 400 triệu đồng từ trang trại cá.
Xã Đồng Sơn hiện có hơn 50 hộ dân có thu nhập cao từ các mô hình trang trại như vậy. Ông Bùi Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giúp người dân phát triển kinh tế, UBND xã đã tạo điều kiện chuyển đổi những chân ruộng trũng cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản. Hiện Đồng Sơn có 17 ha nuôi thuỷ sản chủ yếu là cá thịt, cá giống, ba ba. Cùng đó, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho hội viên vay vốn đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây cảnh. Qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nâng tổng thu nhập bình quân đầu người lên 12 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,3%.
Theo Báo Bắc Giang
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)