Bằng sự nhạy bén và niềm đam mê, người thương binh ấy đã "cai quản", phân phối ếch Thái Lan trên toàn thị trường miền Bắc. Ông là Lê Hồng Sơn, ở thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú (Sóc Sơn- Hà Nội).
 
Ông Sơn sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo lam lũ, tuổi thanh xuân của ông dành trọn cho chiến trường. Năm 1982, ông trở về xây dựng quê hương với hành trang là chiếc ba lô cũ nát và chứng nhận thương tật 31%. Mỗi đêm trời trở gió, vết thương cũ tái phát, ông không tài nào ngủ được, trăn trở nghĩ cách làm giàu.
 
Ước mơ và hiện thực
 
Ý tưởng đưa giống "gà đồng" về vườn mặc dù đã manh nha từ rất sớm nhưng phải đến 20 năm sau, khi phục viên ông mới có cơ hội thực hiện. Vừa hay tin về mô hình nuôi ếch thịt ở Hà Tĩnh rất hiệu quả, ông khăn gói quả mướp lăn lội đến tận nơi "tầm sư học đạo". Học hỏi được đôi chút, ông lại tiếp tục mua sách báo nghiên cứu và đặc biệt được chuyên gia Nguyễn Lân Hùng (Khoa Sinh-Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nhiệt tình giúp đỡ, ông quyết tâm theo đuổi mô hình. Huy động tất cả vốn liếng, ông Sơn đổi ruộng, đào ao rồi tiếp tục quay lại Hà Tĩnh "đón" 1.000 cặp ếch Thái Lan về vùng đất mới.
 
"Vạn sự khởi đầu nan", đồng đất ở quê không phải không có nhưng lại phân tán, manh mún. Vậy là bao nhiêu ruộng tốt ông đổi hết lấy ruộng một vụ, thậm chí cả những khu vực không thể canh tác quanh nhà mình để lập trang trại. Vợ con tỏ ý không vui, còn hàng xóm, nhiều người không hiểu đã cho ông là hâm.
 
Không nản lòng, ông quyết vượt qua mọi khó khăn với ý chí của người lính bộ đội cụ Hồ, từ 6 sào ban đầu, hiện trang trại của ông đã phát triển lên hơn 1ha, trong đó có gần 200 lồng ếch với chu trình khép kín: vừa nhân giống, vừa nuôi ếch thương phẩm. Mỗi năm ông xuất khoảng 30 vạn con giống và 5 - 6 tấn ếch thương phẩm. Hỏi về thu nhập, ông cười hề hề: "Cứ khiêm tốn thôi, trừ chi phí, mỗi năm tớ cũng đưa cho bà xã trên 200 triệu".
 
Lời vàng cho bà con
 
Vốn là người đi lên từ đói nghèo nên ông Sơn luôn mở rộng tấm lòng với tất cả mọi người. Bởi vậy, dù sức khoẻ không tốt, lại luôn tất bật với hàng núi công việc nhưng ông vẫn luôn sẵn lòng nhấc máy mỗi khi "đường dây nóng" nhà ông reo. Hầu hết các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề ếch. Câu trả lời là kết tinh sau quá trình lăn lộn, sống và... yêu ếch.
 
Ông Sơn tiết lộ: "Ếch là vật nuôi tương đối dễ tính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ăn xong chúng chỉ ngồi một chỗ nên năng lượng tiêu hao rất thấp, nếu nuôi đúng kỹ thuật chỉ cần 1,3kg cám có thể được 1kg ếch thương phẩm".
 
Ông phân tích: "Cho ếch ăn tưởng chừng đơn giản nhưng thành, bại đều do khâu này quyết định, ếch nhỏ tuyệt đối không được cho ăn cám cá, cám to mà phải mua đúng loại quy định. Khi cho ăn phải căn làm sao để ếch không bị đói, cũng không bội thực. Đây là công việc làm theo thời vụ, nên hạn cuối cùng bà con nuôi ếch thương phẩm chỉ đến đầu tháng 11, nếu đến lúc này vẫn chưa thu hoạch được coi như thua thiệt vì đơn giản đây là thời gian chúng ngừng ăn bước vào ngủ đông. Làm hầm và giữ ấm cho ếch cũng không hề đơn giản, tuyệt đối không được thắp điện vì thắp điện chúng sẽ khô da, không thể thở và chết...".
 
Với những kinh nghiệm quý báu của mình, có thể dễ hiểu vì sao ông Sơn lại thành công đến thế.
 
 
                                                                                                                                                                                                                             Theo KTNT