Nghề nuôi thỏ xuất hiện ở nước ta từ khá lâu do đặc điểm dễ nuôi, nhanh cho thu nhập và lợi nhuận cao. Trước tình hình các loại dịch bệnh phát triển mạnh và lan rộng, việc nuôi thỏ được nhiều địa phương xem như một trong những giải pháp thay thế an toàn và hiệu quả.
Kỳ I: Chọn giống - khâu đặc biệt quan trọng
Thỏ là loài dễ nuôi, nguồn thức ăn cũng dễ kiếm (các loại rau xanh, lương thực thông dụng). Chi phí cho chuồng trại, thuốc phòng bệnh, chăm sóc không cao. Thỏ mắn đẻ, phát triển nhanh, sản phẩm có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu. Thịt thỏ cho lượng prôtêin cao và năng lượng thấp hơn so với một vài loại thịt động vật khác.
Phân loại
Thỏ thuộc bộ gặm nhấm, có nhiều giống khác nhau như: thỏ trắng khổng lồ Bauxcat và Flandra (Pháp), trọng lượng 6,5 - 6,8kg; thỏ trắng Belie (Pháp); thỏ trắng Nga; thỏ Tây Ban Nha trắng; thỏ California (Mỹ); thỏ Chinchila (Anh). Hiện nay, nước ta không còn giống thỏ thuần, chỉ có 3 giống chính: thỏ trắng Tây Ban Nha - Việt Nam, thỏ xám, thỏ đen.
Chọn giống
Thỏ giống phải hăng hái, nhanh nhẹn, nuôi từ 6 tuần đến 5 tháng. Lông bóng dày mịn và sáng. To con, ngực sâu và nở. Lưng rộng, mông, đùi nở nang, không đồng huyết. Vành tai bóng sạch. Bàn chân và kẽ chân không ghẻ. Mí mắt không sưng, tròng mắt trong. Bụng mềm có lông xốp. Đuôi không dính phân ướt. Da lưng mềm và không tróc lông. Cục phân to tròn và khô. Thỏ chắc thịt, hiếu động. Được tiêm phòng đầy đủ.
Tỷ lệ thụ thai trên 70%, đẻ được 5-6 lứa /năm, mỗi lứa 6-7 con.
Số con sơ sinh sống sau 15 giờ phải đạt 6 con trở lên.
Tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (30 - 35 ngày) trên 80% (mỗi lứa cai sữa trên 5-6 con), thích nghi tốt, khoẻ mạnh, không bệnh tật, tăng trọng nhanh (bình quân 30g/con/ngày)...
Không nên chọn mua thỏ đang có thai hoặc đã sinh sản. Thỏ đang mang thai, di chuyển có thể chết hoặc đẻ non. Thỏ đi khập khiễng, lưng uốn cong, cào chân, liếm lông, nghiến răng, hơi thở nhanh... là dấu hiệu thỏ bị bệnh.
3 giống thỏ ngoại mới
Thỏ New Zealand trắng: Đây là giống thỏ tầm trung, mắn đẻ (mỗi năm đẻ 6-7 lứa, mỗi lứa 6-8 con), sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, nhiều thịt, phù hợp với phương thức chăn nuôi công nghiệp và gia đình. Thích nghi với nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Thỏ Panon: Giống thỏ này xuất phát từ dòng của giống New Zealand trắng nhưng tăng trọng cao hơn, khi trưởng thành đạt 5,5 - 6,2kg/con. Giống thỏ này đã được nuôi thành công ở nhiều vùng nước ta.
Thỏ California: Có nguồn gốc từ Mỹ, được lai tạo giữa 3 giống: thỏ Chinchila, thỏ Nga, thỏ New Zealand. Là giống thỏ tầm trung, trọng lượng trung bình 4,5 - 5kg, thân ngắn hơn thỏ New Zealand, lông trắng nhưng tai, mũi, bốn chân và đuôi có điểm lông màu đen. Giống thỏ này được nuôi nhiều ở Việt Nam.
Quang Vinh
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)