Từ mô hình nuôi ong và chim kết hợp trồng cây cảnh, gia đình ông Vũ Đình Khôi ở thôn Luộc Giới, xã Tân Hiệp (Yên Thế) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm nay, ông Vũ Đình Khôi đã 65 tuổi nhưng vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, ông đã từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, phát huy bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu cảnh đói nghèo, ông đã đi thăm quan một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm làm giàu. Qua đó, ông nhận thấy mô hình nuôi ong lấy mật phù hợp với điều kiện của gia đình bởi ông có vườn vải thiều khá rộng. Nghĩ là làm, ban đầu ông lấy những mảnh gỗ đóng thành một số thùng nhỏ để nuôi thử nghiệm; tích cực tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật chăm sóc đàn ong. Sau một vài năm, ông nhận thấy nuôi ong chi phí đầu tư không cao, thu nhập khá ổn định nên tiếp tục tăng đàn. Thời điểm gia đình ông nuôi nhiều nhất khoảng 70 đàn. Dưới tán vải thiều, những thùng ong của gia đình ông được bố trí ngay ngắn, thẳng hàng, cách mặt đất chừng 0,5 m. Do được chăm sóc bảo đảm quy trình kỹ thuật nên đàn ong phát triển mạnh. Mỗi năm, gia đình ông thu được 200 lít mật. Ông Khôi cho biết: "Nuôi ong không tốn thời gian chăm sóc nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận. Người nuôi ong cũng phải cần mẫn như con ong. Từ Tết Nguyên đán cho đến tháng 4 âm lịch là mùa ong mật. Vì vậy, để ong lấy được nhiều mật, nhà tôi phải di chuyển đàn ong 5 - 7 lần/năm đến một số vườn cây ăn quả trong huyện. Việc di chuyển thường tiến hành vào ban đêm khi đàn ong đang ngủ để tránh tình trạng phân tán đàn do bị thay đổi địa điểm nuôi đột ngột". Ngoài ra, ông luôn chú trọng giữ cho thùng ong không bị đọng nước hay bẩn để hạn chế bị bệnh.
Không chỉ nuôi ong, từ năm 2000 đến nay ông còn nuôi chim chích choè lửa, chim trĩ, chim cu gáy, vàng anh... Bởi thế khu vườn của gia đình ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng chim hót. Để tăng đàn, ông lựa chọn những con chim khoẻ mạnh để nuôi sinh sản. Lúc nào, nhà ông cũng có 10 - 15 đôi chim cảnh. Nhiều người trong và ngoài tỉnh đã tìm về tận gia đình ông để mua chim giống với giá hàng triệu đồng/con. Tận dụng lợi thế đất vườn vải thiều rộng, 6 năm trước ông lặn lội vào rừng để tìm cây cảnh; đồng thời mua thêm cây phôi của người dân trong vùng để mang về nhà trồng. Tích tiểu thành đại, giờ đây khu vườn của gia đình ông có hàng trăm cây cảnh khác nhau, trong đó chủ yếu là cây lộc vừng, sanh, si, sung, mai chiếu thuỷ… Bằng kinh nghiệm học hỏi được từ bạn bè và qua sách báo, hằng ngày ông đều cặm cụi áp dụng vào uốn, tỉa cây cảnh theo các thế: Long, ly, quy, phượng… Trong mấy năm gần đây, từ bán chim cảnh và cây cảnh, gia đình ông thu về khoảng 80 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình ông có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định hơn.
Nguyễn Văn Phương
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)