Sự biến đổi khí hậu làm thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều ảnh hưởng đến cây trồng, đặc biệt là dâu tằm. Trong mùa hè ruộng dâu thường bị hạn, sinh trưởng phát triển kém, năng suất lá không cao.
Để hạn chế tằm bệnh, bà con cần thực hiện đồng bộ những biện pháp kỹ thuật cơ bản dưới đây trong suốt quá trình sản xuất, lấy phòng bệnh là chính.
Phòng bệnh:
Thường xuyên chăm sóc ruộng dâu, cuốc xới đất giữa hai hàng dâu kết hợp làm cỏ để đất tơi xốp, hạn chế bốc hơi, tăng cường hoạt động trao đổi chất của cây dâu. Cố gắng tưới nước bổ sung cho cây (tưới thấm theo hàng, khoảng 15 ngày tưới một lần); bón thúc đầy đủ và cân đối các loại phân đạm, lân, kali; tuyệt đối không trồng xen vào ruộng dâu những loại cây trồng có nhiều sâu bệnh hoặc lấn át cây dâu (như đậu tương, bông vải, đậu đen, đậu xanh, ngô, dưa).
Ruộng dâu phải phun thuốc hoặc ở gần ruộng lúa có phun thuốc trừ sâu thì phải đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 10 ngày mới hái lá. Những ruộng dâu sinh trưởng phát triển mạnh, cây cao thì nên đốn sát gốc (đốn lần 2 trong năm) để tạo hình thấp cây và né tránh nắng hạn cao điểm trong những tháng 6,7,8. Ruộng dâu sau đốn cần được chăm sóc đầy đủ (xới đất, làm cỏ, bón phân) để cây phục hồi nhanh, sinh trưởng mạnh, nhanh cho lá thu hoạch.
Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường nuôi: Nhà nuôi tằm phải cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ; xa ruộng lúa, rau màu, chuồng heo, bò, gà,… để tránh bị nhiễm độc. Phun dung dịch Foocmol 2% đều lên toàn bộ diện tích nền, tường, cửa nhà nuôi tằm và dụng cụ nuôi vào lúc trước khi nuôi, sau mỗi lứa nuôi. Liều dùng từ 2 - 3 lít dung dịch thuốc đã pha/10 m2 diện tích.
Riêng dụng cụ nuôi nên được phủ bạt kín sau phun để tăng hiệu lực diệt khuẩn. Ít nhất khoảng 4 giờ đồng hồ sau khi phun thuốc thì tiến hành rửa sạch nhà cửa và dụng cụ nuôi bằng nước lã, sau đó đem phơi nắng cho khô ráo mới được dùng.
Nuôi những giống tằm lưỡng hệ kén trắng nhập khẩu của Trung Quốc hoặc các giống tằm có nguồn gốc Trung Quốc được các cơ sở nhân giống của Việt Nam nhập khẩu rồi nhân giống, các giống tằm lai F1. Những giống tằm này nhìn chung rất chi#u nóng, sức đề kháng tốt, ít bệnh, năng suất cao, chất lượng kén tơ tốt. Chú ý bả#o quản và ấp trứng trong điều kiện thoáng mát, có vật dụng bảo vệ để tránh được các thiên địch như rắn mối, thạch sùng, kiến, chuột cắn phá.
Chăm sóc tằm đúng kỹ thuật: Cho tằm ăn lá dâu thích hợp với tuổi tằm, không cho ăn lá dâu quá già hoặc quá non dẫn đến sinh bệnh. Lá dâu hái về cần bảo quản đúng cách để không bị héo, hấp hơi làm giảm chất lượng. Nên treo nhiệt ẩm kế trong nhà nuôi tằm để theo dõi nhiệt độ và ẩm độ.
Khi nhiệt độ lên cao trên 300C cần thực hiện ngay các biện pháp hạ nhiệt độ đồng thời tăng ẩm độ, lưu thông không khí trong nhà nuôi tằm bằng cách rẩy nước lạnh cho ướt mặt nền nhà, tường nhà, để nhiều chậu nước trong nhà tằm, quạt vừa phải. Cho tằm ăn đúng bữa, đủ số bữa trong một ngày đêm, cho ăn đều để tằm phát triển đều, chín tập trung.
Xử lý tằm ngủ, tằm thức đúng cách: Chỉ ngừng cho ăn khi tằm đã ngủ đều. Khi tằm dậy đều thì mới cho ăn bữa đầu tiên trong tuổi; rắc thuốc Clorua vôi đều khắp nong tằm đã dậy để sát trùng mình tằm, sau đó cho ăn và thay phân san tằm sang những nong đã được vệ sinh sát trùng.
Thay phân hàng ngày, thay vào buổi sáng. Khi tằm tuổi 5 ăn nhiều, bài tiết nhiều thì có thể thay phân 2 lần trong ngày (lần 1 vào buổi sáng, lần 2 vào buổi chiều tối). Thường xuyên quan sát, theo dõi tằm sinh trưởng phát triển, nhặt bỏ những con tằm kẹ, tằm bệnh đem tiêu hủy tại nơi cách ly với nhà nuôi, ruộng dâu để tránh lây lan.
Chữa bệnh:
Với bệnh tằm bủng: Sử dụng thuốc Cloramphenycol hoặc Penecilin nồng độ 0,2 - 0,3%, một số loại thuốc bổ trợ phun tơi đều vào lá dâu rồi cho tằm ăn từ 2 - 3 bữa trong một ngày đêm; rắc thuốc Clorua vôi sát trùng mình tằm mỗi khi thay phân; cho tằm ăn lá dâu tươi ngon hơn bình thường. Lưu thông không khí trong nhà nuôi.
Với bệnh tằm trong: Sử dụng thuốc Cloramphenycol hoặc Stepthomicin nồng độ 0,2 - 0,3%, một số loại thuốc bổ trợ phun đều vào lá dâu cho tằm ăn từ 2-3 bữa trong một ngày đêm; cho ăn lá dâu tươi ngon hơn bình thường. Lưu thông không khí trong nhà nuôi./.
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)