Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã và đang có tác dụng sâu sắc không chỉ đối với nhận thức của tập thể cán bộ, đảng viên mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến việc làm của đông đảo người dân. Trong chuyến đi công tác tại UBND xã Quý Sơn - Lục Ngạn, tôi được gặp người nông dân không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh còn luôn nhiệt tình sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ bí quyết làm giàu với bà con trong thôn cùng vượt qua cái nghèo và làm giàu bằng nhiều cách khác nhau, đó là anh Dương Trí Tuệ - chủ trang trại chăn nuôi thỏ ở thôn số 3, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Anh Tuệ giới thiệu về con thỏ giống Niu – di - lân
Giữa mênh mông núi đồi, hai bên đường là những đồi vải vừa mới thu hoạch, nhìn chỗ nào cũng giống nhau, khá vòng vèo mới đến được nhà anh. Trại thỏ của gia đình anh Tuệ được xây dựng khoa học nằm cạnh hồ 40 của xã Quý Sơn, xung quanh um tùm cây trái, không khí trong lành và thoáng mát. Vào thăm trang trại của gia đình anh, được tận mắt thấy hơn 1 nghìn con thỏ lớn nhỏ đủ loại được quy hoạch hết sức khoa học chúng tôi thực sự ngỡ ngàng và khâm phục cái tài của anh Tuệ. Với tổng diện tích trang trại hơn 1.500 m2, trong chuồng nuôi anh Tuệ dùng lưới sắt hàn chia làm hàng nghìn ô nhỏ, mỗi ô chỉ rộng khoảng 1 m2. Riêng các ô chăn nuôi thỏ bố mẹ thì có khu vực riêng làm ổ cho thỏ sinh sản. Nếu tính tổng giá trị số thỏ trên cộng với tiền xây dựng chuồng, ước tính trại thỏ nhà anh có trị giá lên tới tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Tuệ vui mừng cho biết: Hiện nay thỏ thương phẩm đang được giá cao từ 65 – 75 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày trung bình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 70 kg thỏ thịt, thu về hơn 1 triệu đồng lãi…
Sinh năm 1968, tại quê hương Nội Hoàng, Yên Dũng. Sau khi xây dựng gia đình vài năm, anh quyết định cùng vợ con lên Quý Sơn lập nghiệp. Cuộc sống mới của đôi vợ chồng trẻ đầy nhiệt huyết nơi núi đồi hẻo lánh, vấp phải khá nhiều khó khăn. Thiếu thốn của những ngày đầu mới lên ở mảnh đất mới càng làm ý chí ở anh mạnh mẽ. Chật vật thời gian dài với những bữa đói, bữa no đã khiến anh suy nghĩ đến việc làm kinh tế ngay trên chính mảnh đất của mình. Nuôi con gì, trồng cây gì giữa nơi đất cằn sỏi đá với đồng vốn ít ỏi trong tay là điều anh canh cánh, trăn trở bao đêm. Nhận thấy khả năng kinh tế do con vật này đem lại, anh quyết định đầu tư thời gian, công sức để tìm hiểu rõ về đặc điểm và kỹ thuật chăn nuôi. Sau thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về cách thức chăm sóc, và tìm đầu ra cho sản phẩm, anh trở về xoay xở vay thêm vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 50 con thỏ giống từ Trung tâm dê, thỏ Trung ương ở Sơn Tây (Hà Tây cũ) về nuôi. Với cách làm vừa nhân giống nuôi bán thỏ thương phẩm, vừa lựa chọn những con thỏ tốt để lại tiếp tục gây giống. Sau hơn 3 năm tập trung chăn nuôi, đến nay trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Tuệ thường xuyên có hơn 1 nghìn con với đủ các lứa tuổi.
Nói về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, anh Tuệ cho biết thêm: Thỏ là con vật dễ nuôi, sinh sản và phát triển nhanh (từ khi đẻ ra đến khi xuất chuồng chỉ trong vòng ba tháng), ít bệnh tật (thường thỏ chỉ bị bệnh ghẻ, nấm, Ecoli, rối loạn tiêu hoá) nên nguy cơ rủi ro thấp. Thức ăn của chúng chủ yếu là rau xanh, một số loại củ quả có sẵn và một lượng nhỏ thức ăn tinh, vì vậy chi phí đầu tư cũng không lớn như chăn nuôi một số con vật khác”. Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là cần phải giữ vệ sinh chuồng trại, điều chỉnh lượng thức ăn thô và thức ăn tinh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thỏ. Đối với thỏ sinh sản, người nuôi phải theo dõi thường xuyên, khi thỏ cái đến kỳ thụ thai phải chọn con thỏ đực khỏe mạnh cho phối giống thì lượng tinh trùng mới bảo đảm. Khi thỏ cái đã thụ thai cần điều chỉnh lại lượng thức ăn thì mới giữ được thai tốt. Thông thường một con thỏ cái đẻ từ 5 - 7 lứa/năm, mỗi lứa được từ 5 - 9 con thỏ con. Tuy nhiên vào mùa hè nóng bức thì người nuôi chỉ nên giữ lại tối đa 7 con thỏ con/lứa, còn mùa đông không nên để quá 8 con/lứa, làm vậy để giữ gìn sức khỏe cho thỏ mẹ tốt. Về các bệnh thường gặp của thỏ cũng dễ nhận biết và điều trị không khó.
Sau hơn mười năm gắn bó với nghề nuôi thỏ, đến nay trang trại của gia đình anh Dương Trí Tuệ đã trở thành cơ sở chăn nuôi thỏ lớn nhất tỉnh. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh không giấu nổi xúc động: “Tôi không bao giờ quên được những ngày tháng cơ hàn của buổi đầu lên đây lập nghiệp. Những gì chúng tôi có được hôm nay, là kết quả của những giọt mồ hôi ngày hôm qua đã rơi xuống kết thành…”. Trải qua bao thăng trầm, hơn ai hết anh thấu hiểu được nỗi khổ của sự đói nghèo. Có lẽ vì vậy mà khi kinh tế gia đình đã khá giả. Với mô hình chăn nuôi thỏ này, trừ mọi chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình anh Dương Trí Tuệ thu về trên dưới 30 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay anh Tuệ đang là thường vụ của Hiệp Hội nuôi thỏ Việt Nam. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Tuệ còn thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thỏ cho nông dân ở các huyện trong tỉnh. Đồng thời anh đứng ra nhận bao tiêu thỏ thương phẩm cho nhân dân.
Với ý chí quyết vượt qua đói nghèo, Dương Trí Tuệ không những đưa được kinh tế gia đình mình đi lên mà anh còn thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất rộng khắp trong toàn thôn. Thành công anh có được hôm nay, là kết quả của một quá trình lao động miệt mài, cùng với ý chí kiên cường, không sợ khó, sợ khổ, dám đối mặt với thử thách suốt bao năm qua./.
Người chăn nuôi muốn mua thỏ giống và bán thỏ thương phẩm, có thể liên hệ theo số điện thoại: 0975.358.199 của anh Dương Trí Tuệ.
Văn Bằng
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)