Trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang có sự đóng góp không nhỏ từ các mô hình kinh tế tại địa phương. Làm giàu trên chính mảnh đất mình đang sống là hướng đi đúng đắn của những con người giàu ý chí và nghị lực.
 
Đến thôn Bắc II, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn thật không khó để tìm tới gia đình ông Vi Văn Cao- người có mô hình chăn nuôi dê hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo.
 
Là một hộ có kinh tế khó khăn trong xã, ông Vi Văn Cao luôn mang trong mình trăn trở là làm sao để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Năm 2009, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi gà, lợn tại gia đình. Nhưng do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi đặc biệt là vấn đề phòng dịch cho đàn vật nuôi nên dịch bệnh đã làm đàn lợn của ông chết gần hết. Mọi của cải, vốn liếng và bao hy vọng như tiêu tan, kinh tế gia đình vốn khó khăn lại càng trở lên khó khăn hơn. Tuy nhiên, quyết tâm thoát khỏi sự đeo bám của đói nghèo bấy lâu là động lực giúp ông gượng dậy và tiếp tục tìm hướng đi thích hợp cho mình. Sau nhiều đêm suy nghĩ làm sao để làm giàu trên mảnh đất quê hương thì tình cờ 1 lần khi xem tivi, ông Cao biết được mô hình chăn nuôi dê núi ở Ninh Bình, với vốn đầu tư không lớn mà hiệu quả kinh tế mang lại không hề nhỏ. Mọi băn khoăn như được tháo gỡ từ đây, ông Cao quyết định sử dụng khu đồi thầu có diện tích 4ha của gia đình để chăn nuôi dê.
 
Năm 2010, ông cao tiếp tục vay 20 triệu đồng từ anh em, bạn bè để đầu tư mua 6 con giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê. Nhưng do mới bắt đầu, còn chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi con vật mới nên dù dê là động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao mà dê của gia đình ông vẫn thường bị bệnh, chậm lớn. Quyết tâm khắc phục những vấn đề này để phát triển đàn dê, ông Cao đã tìm tới các mô hình chăn nuôi dê có hiệu quả trên địa bàn tỉnh cũng như ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Hải Dương, Phú Thọ... để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm cho mình. Sau một quá trình học tập, ông Cao đã trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để chăn nuôi dê có hiệu quả. Chỉ với 6 con giống khi mới bắt đầu, sau 6 tháng đàn dê của ông đã sinh sản được 16 con và chỉ sau 1 năm số lượng dê đã tăng lên tới 70 con. Tự tin với kiến thức và kinh nghiệm mình đã có, ông Cao tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi và đến đầu năm 2012, đàn dê của ông đã tăng lên 160 con.
 
Theo ông Cao, so với nuôi lợn, trâu hoặc bò thì nuôi dê nhanh sinh lợi hơn vì thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ trong vòng từ 7 đến 12 tháng (lúc này con dê sẽ đạt trọng lượng từ 35 – 40kg/con). Trung bình một năm dê cái lại sinh 02 lứa, mỗi lứa từ 2 – 3 con, về chuồng trại không đòi hỏi diện tích lớn nên cũng không tốn kém gì. Dê là động vật nhai lại, ăn tạp vì thế thức ăn của chúng cũng rất đơn giản gồm: Các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây (mít, chuối, dâm bụt….), phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, ngọn mía, dây đậu...), các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, chuối... ), thức ăn tinh, thức ăn khoáng. Thức ăn thô xanh thường chiếm khoảng 55 – 70% khẩu phần ăn của dê nên tốn ít chi phí thức ăn. Ông cũng cho biết thêm: Hiện nay thị trường tiêu thụ thịt dê ở địa phương cũng như trong cả nước là rất lớn, các thương lái tới tận nhà ông thu mua để cung cấp cho các quán ăn với giá 60.000 đồng/kg (năm 2011), còn sang năm 2012, 2013 thì giá bán dê đực là 100.000đồng/kg, dê cái là 90.000đồng/kg. Một năm, gia đình ông Cao thu về trung bình hơn 100 triệu từ nuôi dê. Nhờ sự đầu tư đúng hướng mà đến nay gia đình ông đã trả hết nợ và thoát khỏi cái nghèo, ổn định cuộc sống, trở thành một hộ khá giả trong thôn, xã.
 
 Chia sẻ về những kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc đàn dê, ông Cao cho biết: Để đàn dê phát triển khỏe mạnh thì chuồng nuôi phải đảm bảo ở nơi khô ráo, sạch sẽ thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phải phẳng, nhẵn để dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu. Chuồng dê tốt nhất nên làm hướng Đông Nam để mát về mùa hè ấm về mùa đông. Cũi, lồng, chuồng nuôi dê có thể làm bằng tre, gỗ hay tận dụng vật liệu sẵn có. Tất cả đều phải chắc chắn, gọn gàng không để dê chui qua, lọt chân. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50–80 cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 - 2 m2, dê thịt 0,6 m2. Một vấn đề không thể thiếu nữa để có thể nuôi dê đạt kết quả đó là, việc theo dõi sức khoẻ đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Cho dê uống nước sạch có bổ sung thêm một ít muối; vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, sân chơi, máng ăn, uống hàng ngày, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần; hàng ngày trước khi chăn thả và sau khi về chuồng phải kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, loét miệng, chướng hơi đầy bụng để kịp thời điều trị; tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi và tránh lây lan trong đàn; định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vaccin để phòng bệnh truyền nhiễm cho dê như: Lở mồm long móng, đậu, tụ huyết trùng…
 
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế cho gia đình mình, ông Cao còn luôn nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi dê hiệu quả cho những hộ dân cùng chăn nuôi dê trong thôn. Ông Cao tâm niệm, cùng nhau phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình cũng chính là làm giàu cho quê hương đất nước./.
 
 Nguyễn Thị Thảo