Cùng người bạn đồng nghiệp, chúng tôi tìm đến trang trại nhím giống của anh Trần Tiến thôn Am, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế. Tiếp chúng tôi, anh Tiến vui vẻ kể về quá trình mình đến với nghề nuôi nhím hiện nay. Sinh trưởng trong gia đình tri thức người Hà thành, bố mẹ đều là cán bộ, nên ngay từ khi trưởng thành gia đình đã hướng anh vào nhà nước. Song với bản tính sôi nổi, không thích bị gò bó, anh đã tự lựa chọn con đường sự nghiệp của mình. Cũng đi nhiều nơi và làm đủ nghề đến năm 29 tuổi anh Tiến đã có trong tay chút vốn. Rất tình cờ anh xem truyền hình giới thiệu về mô hình nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao tại tỉnh Sơn La. Anh chợt nảy ra ý định táo bạo đó là sẽ tìm hiểu và chuyển sang làm kinh tế qua mô hình nuôi nhím đã được giới thiệu. Anh cũng tâm sự thật với chúng tôi rằng, quyết định mình sẽ nuôi nhím thì bản thân lúc bấy giờ cũng chưa nhìn tận mắt con nhím thực hư ra sao? Có thật sự dễ nuôi như chương trình “bạn của nhà nông” giới thiệu trên kênh VTV2?
Là một người không có chút kinh nghiệm với chăn nuôi, một thân một mình lặn lội lên tận Sơn La tìm đúng địa chỉ mà mình ghi lại được. Anh đã bỏ ra gần một tuần ở lại và được sự nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ của chủ hộ nuôi nhím, đồng thời cũng đi thăm quan học hỏi của một số hộ xung quanh. Anh Tiến mạnh dạn bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua 20 đôi nhím với giá dao động lúc đó khoảng 5-7 triệu đồng một cặp.
Cũng là may mắn với anh thời điểm đó có người em họ cho thuê trang trại trên huyện Yên Thế- tỉnh Bắc Giang, anh mạnh dạn lên làm kinh tế vùng đất đồi núi xa lạ. Có được kinh nghiệm thực tế và tìm hiểu qua sách báo về kỹ thuật nuôi nhím, sau hơn 1 năm với 20 cặp nhím ban đầu số nhím của anh đã cho ra đời khoảng gần 15 cặp nhím con. Số nhím giống anh suất bán đã gần như hoàn lại tiền vốn mà anh bỏ ra, vì chi phí cho nuôi nhím rất thấp. Giá nhím lại tăng cao so với năm trước nên việc chuyển hướng làm ăn của anh gặp rất nhiều thuận lợi. Anh cũng cho biết thêm, suốt 4 năm qua nuôi nhím chưa thấy con nào có biểu hiện của bất kỳ một loại bệnh gì. Thức ăn của chúng thì đơn gian, có sẵn tại địa phương. Thông thường là ngô, khoai, sắn, các loại rau củ khác…một đôi nhím trung bình 1 ngày tiêu thụ khoảng hai lạng ngô ngâm nước, một miếng bí hoặc rau khoai lang. Trong thời kỳ nhím mang thai có thể tăng khẩu phần thức ăn cho chúng. Chuồng trại xây đơn giản, nền lát gạch trong chuồng xây nên có hệ thống rãnh phía sau để tiện vệ sinh chuồng đảm bảo sạch sẽ. Khi nhím được một năm tuổi là bắt đầu động đực và phối giống. Nhím là loài mắn đẻ một năm hai lứa, mỗi lứa sinh 2 hoặc 3 con, thời gian mang thai khoảng 95 – 100 ngày. Nhím con nuôi từ 2- 2,5 tháng là có thể bán được. Giá nhím giống mấy năm gần đây liên tục tăng, trước khoảng 5-7 triệu đồng/cặp giờ giá dao động từ 10-12 triệu đồng/cặp. Vì vậy nuôi một cặp nhím sinh sản mỗi năm thu được từ 20-22 triệu đồng. Hiện nay trang trại của anh Tiến có khoảng 40 cặp nhím sinh sản mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Anh Tiến chia sẻ “nuôi nhím rất dễ, con vật thật sự rất hiếm bệnh, càng nuôi mình càng cảm thấy ham”. Nếu bước đầu nuôi 1 cặp sau một năm đã có thể thu hồi vốn bỏ ra và cho thu lãi từ những năm tiếp theo. Hiện nay mô hình đã đạt được hiệu quả kinh tế rất cao so với việc chăn nuôi các con vật khác và hầu hết các tỉnh phía Bắc đều thành công với mô hình này điển hình là tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…
Nuôi nhím thật sự là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, lại rất phù hợp với điều kiện hộ gia đình. Mong rằng mô hình sẽ được nhân rộng trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Tươi
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)