Vốn là một giống có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường khác như khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, hấp dẫn vì vậy thỏ Newzealand được nhiều hộ nông dân ở Xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế. Trong số đó phải kể đến mô hình nuôi thỏ Newzealand theo quy mô bán công nghiệp của gia đình ông Dương Trí Tuệ thôn Số 3 xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn.
 
 
Mô hình nuôi thỏ nhà anh Dương Trí Tuệ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn
Từ năm 2006 khi người dân trong vùng rộ lên phòng trào nuôi thỏ làm kinh tế, ông cũng đầu tư vốn vào xây dựng chuồng trại. Lúc đầu ông chỉ nuôi 50 con thỏ mẹ và 10 con thỏ bố thuộc giống thỏ Newzealand lấy từ Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây để cung cấp con giống cho một số bà con trong vùng. Song thấy thỏ này là gia súc dễ nuôi, thịt thỏ còn là món ăn giàu đạm, bổ dưỡng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có là rau cỏ tại chỗ, chi phí đầu tư thấp, cách chăm sóc đơn giản, ít bệnh tật, tăng trọng nhanh lại có đầu ra thuận tiện ông đã mở rộng chuồng trại nuôi toàn bộ số thỏ giống của gia đình thành thỏ thương phẩm bán ra thị trường.
 
Với diện tích chuồng nuôi 1.500 m2 được xây dựng trên khu đất đồi có mai che cao, hai bên sử dụng bạt di động để che mưa và rét đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Bên trong được thiết kế thành 4 dãy chuồng kép và 2 dãy chuồng đơn chạy dọc cách mặt đất 90cm hình khối hộp chữ nhật, dài 80cm, rộng 60cm, cao 50cm, có thể chia làm 2 ngăn, mỗi ngăn có khay lưới đựng thức ăn thô xanh, máng đựng thức ăn tinh, phía dưới là nền xi măng hơi trũng để hứng phân và nước tiều đảm bảo thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại. Vì nhu cầu về nước uống của thỏ cao hơn các loại động vật khác, mỗi con dùng từ 50 – 200ml nước mỗi ngày nên ông đã thiết kế xây dựng hệ thống uống nước tự động để không phải căn thời gian cho thỏ uống nước lại đảm bảo được nguồn nước sạch để cung cấp cho thỏ. Với hệ thống chuồng trại và thức ăn đảm bảo hợp vệ sinh cộng với áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên đàn thỏ của gia đình ông không bị chết do dịch bệnh. Hiện tổng đàn thỏ của gia đình ông lên đến 6000 con cả thỏ giống và thương phẩm. Thỏ thương phẩm nuôi từ 3 đến 3.5 tháng thì được xuất với giá bán trên thị trường từ 70.000 - 80.000 đ/kg, thỏ giống nuôi 5 - 6 tháng tuổi thỏ đạt trọng lượng bình quân từ 3 - 3,2 kg/con và bắt đầu phối giống và mỗi năm có thể sinh từ 5 - 7 lứa, cho từ 6 - 7 con/lứa  với giá bán 120.000 đ/kg. Mỗi tháng bình quân ông xuất khoảng 2 tấn thỏ (cả giống và thương phẩm) trừ chi phí ông thu lãi 50 triệu đồng.
 
Để đảm bảo thuận tiện đầu ra, năm 2011 ông đã thành lập Công ty TNHH sản xuất thực phẩm sạch Trí Tuệ và tham gia làm hội viên Hội Chăn nuôi thỏ Việt Nam nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm với các hội viên đã có kinh nghiệm lâu năm trong chăn nuôi thỏ nhằm tìm ra các phương pháp chăn nuôi hợp lý tiết kiệm lại mang lại hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, với mong muốn chia sẻ giúp đỡ bà con nông dân phát triển kinh tế với nghề nuôi thỏ ông đã kết hợp với Trung tâm dạy nghề Phương Nam tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho bà con trong vùng và một số huyện lân cận về quy trình chăn nuôi thỏ.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Quý Sơn có khoảng 20 hộ nuôi từ 10 đến 100 con thỏ nái, toàn tỉnh có 200 hộ dân, trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 3000 con thỏ thương phẩm mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người chăn nuôi. Tuy nhiên để nghề chăn nuôi thỏ phát triển hơn nữa bà con cần đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại một cách khoa học, tìm hiểu và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc thỏ. Thành công từ mô hình chăn nuôi thỏ theo bán công nghiệp của gia đình ông Dương Trí Tuệ đã mở ra một hướng đi mới, một phương pháp làm giàu mới cho nhưng người dân xã Quý Sơn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung./.
 
Hoàng Thoa