Trước đây, người ta thường nuôi chim bồ câu để làm cảnh, ngày nay việc nuôi bồ câu lấy thịt đã dần trở nên phổ biến. Nuôi chim bồ câu không đòi hỏi đầu tư nhiều mà lại nhanh thu hồi vốn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người đã thành công với mô hình này, trong đó có gia đình anh Ngô Quang Cường thôn Hòa Tiến xã Hùng Sơn huyện Hiệp Hòa.
 
 
(Chim bồ câu nuôi lồng công nghiệp tại gia đình anh Ngô Quang Cường thôn Hòa Tiến, xã Hùng Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.)
 
Vừa chỉ tay giới thiệu mô hình chim bồ câu thương phẩm, anh Cường vừa tâm sự với chúng tôi về cái “nghiệp” làm giàu từ nghề chăn nuôi của mình. Năm 2002, anh Cường bắt đầu với mô hình chăn nuôi lợn nái siêu nạc. Qua tìm hiểu và được người giới thiệu, anh xuống trại lợn miền Bắc tại Hưng Yên nhập về 30 con lợn nái. Nhưng đến năm 2007, khi dịch Tai xanh trên lợn xảy ra, 28 con trong đàn nhà anh bị mắc bệnh, phải tiêu hủy hoàn toàn. Hết vốn, lại thêm nợ nần, đã có lúc chán nản anh Cường nghĩ đến chuyện từ bỏ nghề chăn nuôi. Một lần tình cờ về chơi nhà bạn tại Hưng Yên, anh được biết đến mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm, đặc biệt là giống bồ câu Pháp. Đây là giống chuyên nuôi để lấy thịt, mỗi năm mỗi cặp có thể đẻ từ 8-9 lứa, mỗi lứa đẻ 2 trứng, trọng lượng chim xuất chuồng bán lấy thịt đạt từ 400 – 450 g. Giống chim này có ưu điểm là thích ứng tốt với điều kiện khí hậu nước ta và tỷ lệ nuôi sống cao. Càng đi sâu tìm hiểu, anh dường như đã tìm được con đường vươn lên làm giàu cho mình.
 
Ban đầu, anh đi tìm hiểu các hộ có kinh nghiệm nuôi chim bồ câu trong tỉnh và các tỉnh ngoài như Hưng Yên, Hải Dương… và nhập 100 đôi để nuôi thử nghiệm. Thời gian bắt đầu nuôi là khoảng thời gian khó khăn nhất. Chất lượng nguồn giống không đảm bảo, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa có, kinh nghiệm chăn nuôi còn thiếu đôi khi để trứng ấp bị ung, chim non bị chết... khiến cho đàn bồ câu của anh bị giảm số lượng rõ rệt, tỷ lệ chết lên đến hơn 40%. Rút kinh nghiệm, anh dành thời gian cả ngày lẫn đêm chỉ để quan sát, ghi chép tập tính sinh hoạt của chim, từ đó tìm ra các biện pháp chăn nuôi hiệu quả. Ngoài ra, anh còn tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng, nhờ tư vấn kỹ thuật của khuyến nông xã, huyện… có những lần anh còn gọi điện ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhờ cán bộ tư vấn về kỹ thuật chăn nuôi. Anh còn tích cực đi tìm hiểu thêm về thị trường tiêu thụ, từ đó có các địa chỉ thu mua tin cậy.
 
Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi chim bồ câu đạt hiệu quả thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, có mái che, có ổ cho chim mái đẻ trứng, cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Anh cho biết, bồ câu là loài chim rất ưa sạch sẽ, nhất là chỗ ở và ăn uống. Nếu không đảm bảo được điều kiện vệ sinh thì tỷ lệ chết là rất cao. Anh Cường chia sẻ :“Nuôi chim bồ câu không khó bởi chúng rất ít bị bệnh, sức đề kháng cao chỉ cần làm cho chim có chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ và đủ ánh sáng là được. Một ngày chim ăn 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, nước uống của chim phải sạch sẽ và thay hàng ngày”. Trong quá trình nuôi dưỡng và tìm hiểu, anh nhận thấy loài chim bồ câu này rất hợp với loại cám 952S của Công ty Cổ phần nông sản là cám đặc chủng dùng cho lợn siêu nạc. Ngoài ra anh còn cho ăn thêm ngô, thóc và sỏi nhỏ để tăng khả năng tiêu hóa thức ăn. Chim bồ câu dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chi phí nuôi thấp, mà lợi nhuận thu về rất khả quan. Sau 19 ngày nuôi, mỗi cặp bồ câu nuôi bán lấy thịt có giá khoảng 110.000 đồng, còn đối với bồ câu nuôi bán làm giống, thời gian nuôi là 45 ngày, mỗi cặp có giá từ 170.000 đồng trở lên. Sau khi giảm trừ các khoản chi phí thức ăn, lương công lao động, thuốc trừ bệnh... gia đình anh thu về khoảng 25 triệu đồng tiền lãi/tháng. Mỗi năm trừ hết chi phí, anh thu lãi gần 300 triệu đồng. Anh cho biết trong thời gian tới sẽ đầu tư mở rộng mô hình nhằm cung cấp thêm cho thị trường cả về số lượng và chất lượng chim giống, chim thương phẩm. Với những người có nhu cầu nuôi, anh luôn hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc và giúp liên hệ bao tiêu đầu ra của sản phẩm.
 
Với cách làm truyền thống “lấy ngắn nuôi dài”, từ 100 cặp chim giống, đến nay trang trại anh Cường đã có 1.500 cặp chim sinh sản theo mô hình nuôi lồng công nghiệp. Ngoài ra, đối với chim bồ câu trên 40 ngày tuổi, anh thả chung tại khu “ghép đôi” để chúng có thể tự do lựa chọn bạn tình, nhờ đó tránh được hiện tượng cận huyết trong sinh sản, sau đó mới thả từng đôi vào lồng công nghiệp.
 
Tuổi trẻ sáng tạo cùng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã giúp anh Ngô Quang Cường vượt qua khó khăn, thách thức của cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng và trở thành địa chỉ tin cậy về một mô hình nuôi chim bồ câu hiệu quả để giới thiệu cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh về tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Anh xứng đáng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu trên đất quê hương.
 
Thu Trang (Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN)