Đầu năm 2015, sau khi xem chương trình “Bạn của nhà nông” trên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Trịnh ở thôn Đầm Lác, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên (Bắc Giang) quyết tâm tìm hiểu phương pháp nuôi giun quế để lấy phân vi sinh.
 
 

 
Ảnh minh họa.
 
Ông tìm đọc sách báo tham khảo về kỹ thuật, đồng thời đi thăm nhiều mô hình ở các tỉnh lân cận, liên hệ với Công ty cổ phần NPH chuyên sản xuất phân vi sinh có trụ sở tại tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề liên kết. Được Công ty đồng ý cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật, ông đã tận dụng chuồng trại cũ chia thành 10 ô trên diện tích 150m2 để nuôi giun quế.
 
 
 
Ông Trịnh cho biết, giun quế ưa bóng tối nên nếu thấy vải phủ khô cần phun nước sạch giữ độ ẩm và phủ kín mặt ô bảo đảm độ tối cho giun lên ăn, ngăn các loài như cóc, nhái, ếch, chuột, kiến xâm nhập vườn nuôi. Áp dụng phương pháp này, sau 8 tháng, lượng giun quế phát triển nhanh, từ 2,5 tấn lên 8 tấn, không có dịch bệnh.
 
 
 
Nguyên liệu nuôi giun được tận dụng từ phân gia súc của các hộ trong thôn, được ủ men vi sinh khoảng 10 ngày, pha với nước tưới hằng ngày lên các ô. Cứ một tấn phân gia súc đưa vào trại nuôi, chỉ sau khoảng 25-30 ngày sẽ cho lượng phân vi sinh tương đương. Mỗi tháng, trại chăn nuôi của ông sản xuất hơn 3 tấn phân vi sinh, trừ chi phí lãi khoảng 5 triệu đồng.
 
 
 
Được biết, phân vi sinh được doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ tại tỉnh Hòa Bình chủ yếu để thử nghiệm sản xuất theo quy trình sạch đối với một số loại cây lương thực, cây ăn quả, cây công nghiệp, rau màu. Giun quế còn làm thức ăn cho hơn 200 con gà thương phẩm. Hiện mô hình nuôi giun quế lấy phân vi sinh của gia đình ông Trịnh đã được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
 
 
 
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên, giun quế dễ nuôi, vốn đầu tư không lớn, cho thu nhập khá song bà con nông dân cần kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm để tận dụng triệt để nguồn thức ăn, chất thải, tăng hiệu quả kinh tế. 
 
 
 
Ngọc Tâm http://baobacgiang.com.vn/