Nghề nuôi ong lấy mật ở xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động đã có từ lâu nhưng mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ. Sản phẩm mật ong phục vụ gia đình là chính nhưng những năm gần đây nghề nuôi ong lại là nghề cho thu nhập cao và đã đóng một phần không nhỏ vào xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế tại địa phương. Số hộ nuôi ong trong xã ngày càng tăng lên, và hiện là huyện có số lượng đàn ong lớn nhất của huyện Sơn Động. Đóng góp vào sự phát triển đó có hoạt động của Hợp tác xã (HTX) nuôi ong hữu cơ Sơn Động. HTX được thành lập đã liên kết các hộ nuôi ong nhỏ lẻ, từ đó tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ trong chăm sóc và nuôi ong, giúp cho sản lượng và chất lượng mật được nâng lên.
Kiểm tra, chăm sóc đàn ong tại Sơn Động (Ảnh: st)
Trước đây gia đình anh Nguyễn Văn Hòa thôn Đồng Thủm xã Tuấn Đạo chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trồng cây rừng. Đam mê nuôi ong lấy mật nhưng vì nuôi theo cách truyền thống, hiệu quả kinh tế không cao nên anh chỉ nuôi nhỏ lẻ. Từ năm 2014, khi HTX ong mật hữu cơ Sơn Động được thành lập, anh đã tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc và nuôi ong lấy mật, do đó anh đã mở rộng quy mô chăn nuôi ban đầu từ 20 đàn thì đến nay anh đã có gần 100 đàn ong lấy mật, mang lại thu nhập 200 triệu đồng/năm. Theo anh Hòa, nếu bỏ ra 1 triệu/đàn ong, bỏ công sức ra nuôi một năm, thu hoạch trong 3 tháng, lợi nhuận lên đến 1,8 triệu.
HTX ong mật hữu cơ Sơn Động được thành lập từ năm 2014, chuyên kinh doanh và sản xuất mật ong hữu cơ, ban đầu có 29 thành viên hiện nay, HTX đã có 43 thành viên, duy trì vốn điều lệ 1,4 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Minh – Giám đốc HTX cho biết, từ khi thành lập, bà con rất phấn khởi, đàn ong được phát triển, thu nhập cao hơn trước nhiều lần. Các thành viên của HTX đều là người dân của xã Tuấn Đạo, chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan trình độ nhận thức còn kém, chủ yếu nuôi ong dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Do vậy, HTX được thành lập đáp ứng được nhu cầu cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật trong nuôi và chăm sóc ong, từ đó giúp sản lượng và chất lượng mật được nâng lên. Trung bình sản lượng của HTX đạt 100 tấn/năm. Sản phẩm mật ong của HTX chủ yếu được lấy từ hoa rừng, hoàn toàn là mật ong nguyên chất, hàm lượng nước trong mật thấp, được nhiều khách hàng tin dùng, xuất bán cho các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội. Với những hiệu quả ban đầu mang lại, thời gian tới HTX sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi và tìm đầu ra cho sản phẩm đồng thời hướng tới xây dựng thành công thương hiệu mật ong hữu cơ Sơn Động./.
Thanh Thanh
Tin liên quan:
- Cách chăm sóc và nuôi dường Nai (15-11-2023)
- Cách làm chuồng, thức ăn và đặc tính sinh sản của Nai (15-11-2023)
- Đặc điểm và tập tính sinh hoạt của con Nai (15-11-2023)