Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng một số loài cá tự nhiên quý hiếm như Lăng chấm, Anh Vũ, cá Hô, cá Bỗng… ngày càng tăng. Tuy nhiên, người dân khó tiếp cận với các loài cá này bởi khả năng cho sinh sản hạn chế, sản lượng khai thác tự nhiên thấp. Trước thực tế đó, Trung tâm Giống thuỷ sản cấp I (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã đẩy mạnh ứng dụng KHKT mới, bước đầu sinh sản nhân tạo và ương nuôi thành công một số giống cá đặc sản.
Trung tâm Giống Thuỷ sản cấp I Bắc Giang có nhiệm vụ ứng dụng KHKT, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới trong sản xuất, bảo tồn và cho sinh sản các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao; cung ứng cá giống cho nhân dân trong tỉnh và một số tỉnh khu vực Đông Bắc... Nhiều năm qua, Trung tâm là địa chỉ tin cậy của đông đảo khách hàng trong việc cung cấp một số loại chủ lực như cá chép, rô phi đơn tính, trắm, trôi, mè... Để mở rộng đối tượng nuôi mới với chất lượng tốt, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản, tháng 7-2008, Trung tâm tiếp nhận công nghệ sản xuất giống cá lăng chấm từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I (Viện I). Đây là loài có giá trị dinh dưỡng cao, thịt trắng, thơm ngon, không có xương dăm và đang có nguy cơ tuyệt chủng, giá trị thương phẩm cao (từ 300-400 nghìn đồng/kg). Bước đầu, Trung tâm cử 3 cán bộ tham gia tập huấn kỹ thuật sản xuất, ương nuôi cá lăng chấm tại Viện I; tiếp nhận và bố trí nuôi vỗ thành thục 78 con cá Lăng chấm bố mẹ trên diện tích 800m2 mặt nước; đồng thời sửa chữa, xây mới một số bể xi măng, sử dụng hệ thống bơm nước tạo dòng chảy trong ao và phun mưa nhân tạo... Trên cơ sở quy trình công nghệ được Viện I chuyển giao như sử dụng kỹ thuật thụ tinh khô và phương pháp ấp trứng cải tiến, Trung tâm đã cho cá lăng chấm sinh sản thành công. Trong năm 2009 cho cá đẻ hai đợt, cung cấp ra thị trường hơn 10.000 cá giống với chất lượng cao. Hiện nay, đơn vị đang tiếp tục xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm với quy mô 3ha.
Cùng với cá Lăng chấm, tháng 4-2009, được sự hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh, Trung tâm triển khai đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật sinh sản nhân tạo và xây dựng mô hình nuôi cá Anh Vũ trong điều kiện tỉnh Bắc Giang”. Anh Vũ là loài cá đặc sản hiện có giá bán cao nhất trong các loài cá nước ngọt (khoảng 800 đến 1.000.000 đồng/kg), phân bố trong phạm vi hẹp ở nước ta, tập trung ở lưu vực sông Lô, sông Thao… Do ngư dân khai thác quá mức và tác động của sản xuất công nghiệp nên loài cá này có nguy cơ tuyệt chủng, được đưa vào danh sách bảo vệ ở cấp độ V. Bước đầu, Trung tâm đã cho cá Anh Vũ sinh sản được 300 con cá giống. Dự kiến đề tài kết thúc vào năm 2010, với sản phẩm là đàn cá Anh Vũ bố mẹ và 10.000 cá giống, hoàn thành mô hình nuôi thử nghiệm cá Anh Vũ thương phẩm. Trên cơ sở thành công trong sản xuất một số loài cá giống mới, tháng 11-2009, đơn vị tiếp tục di nhập cá Bỗng, cá Hô từ các tỉnh khác về. Trung tâm dự kiến cho hai đối tượng này sinh sản thử nghiệm trong thời gian tới. Hiện Trung tâm đã có đàn cá bố mẹ gồm 15 loài.
Để góp phần đa dạng hóa cơ cấu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, di nhập các đối tượng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất là hướng đi đúng đắn của Trung tâm. Với cơ sở vật chất được trang bị phù hợp và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm, những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ tiếp tục nhập một số loài cá mới để nuôi khảo nghiệm như cá Rầm xanh, cá Quế, cá Chình... Song song với việc ứng dụng tiến bộ KHKT mới vào sản xuất và nghiên cứu, Trung tâm cũng tích cực chuyển giao các tiến bộ mới đến các cơ sở sản xuất và người nuôi thủy sản trong tỉnh. Năm 2009, Trung tâm đã tập huấn kỹ thuật cho các huyện miền núi được 15 lớp với tổng số trên 600 lượt người, các lớp tập huấn này được người dân tham gia tích cực và đánh giá cao. Đây là lực lượng quan trọng nhằm đưa các loại cá đặc sản lên miền núi góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói nghèo trong khu vực./.
 
                                                                                      Thân Văn Thủy
                                                                                                                              GĐ Trung tâm Giống thủy sản cấp I