Muốn nuôi cá có năng suất cao thì việc chọn lựa, sử dụng con giống là biện pháp quan trọng hàng đầu. Các giống mà bà con nông dân sử dụng có thể phân làm hai loại. Một là các giống cá truyền thống như: Mè, trôi, trắm, chép… và các loại cá nhập nội đã được thuần hóa có tính ăn tạp, thường lấy sinh vật phù du làm thức ăn chính như cá mrigan. Hai là những giống cá mới có tính ăn trực tiếp các loại thức ăn nhân tạo như rô phi đơn tính, chim trắng, chép lai, cá vược, cá rô đồng… đang được nhân giống và mở rộng diện tích nuôi. Trong thời gian 10 năm gần đây, năng suất trung bình nuôi cá thương phẩm của các hộ nông dân đã đạt trên 4 tấn/ha/năm và đang có xu hướng tăng cao hơn. Tuy nhiên việc nâng cao năng suất cá nuôi lên 10 – 15 tấn/ha/năm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện ao nuôi, con giống, khả năng cung cấp thức ăn, điều tiết nước, phòng trị dịch bệnh, trong đó con giống là yếu tố hết sức quan trọng. Vì vậy, chúng tôi cần trao đổi với bà con nông dân mấy vấn đề về giống cá sau đây.
 
Thay đổi cơ cấu đàn giống:
 
Căn cứ vào thực trạng sản xuất, cung ứng và sử dụng giống hiện nay cho thấy các giống cá truyền thống như mè, trôi, trắm và các loại cá ăn phù du chiếm trên 85%, các giống cá mới chỉ chiếm 15%. Do đặc điểm sinh học của các giống cá truyền thống là ngưỡng oxy cao, sử dụng thức ăn tự nhiên là chính, nên không thể nâng cao mật độ (tối đa chỉ là 1,5 con/m2), không thể tăng cường thức ăn, dễ phát sinh dịch bệnh, cá trong ao chậm lớn do thiếu oxy và dễ chết ngạt hàng loạt. Thời gian nuôi cá dài cả năm. Đối với các giống cá mới hầu hết là giống ngắn ngày, ngưỡng oxy thấp, có tính ăn tạp và ăn thức ăn trực tiếp, nên có thể nuôi mật độ cao 4 – 5 con/m2), có thể tăng cường thức ăn để đẩy nhanh tốc độ lớn, thời gian nuôi ngắn, một năm có thể nuôi hai vụ. Vì vậy để năng cao năng suất cá trong toàn tỉnh phải nâng cao tỷ lệ giống cá mới lên trên 40% và giảm tỷ lệ giống cá truyền thống xuống dưới 60%.
 
Thay đổi tình hình thức nuôi:
 
Mở rộng diện tích nuôi đơn bằng các giống cá mới:
 
Đối với giống cá rô phi đơn tính có thể nuôi đơn hoàn toàn với mật độ thả 3 – 4 con/m2, thời gian nuôi ngắn và nuôi hai vụ (một vụ từ tháng 3 đến tháng 7 và một vụ từ tháng 8 đến tháng 12). Với cá rô đồng có thể nuôi đơn với mật độ 10 – 15 con/m2 và nuôi hai vụ như cá rô phi. Ao nuôi cá chim trắng, cá chép lai, cá vược thả với mật độ 1,5 – 2 com/m2, thời gian nuôi 10 – 12 tháng. Nếu thực hiện tốt quy trình nuôi, các ao nuôi đơn có thể đạt 10 – 15 tân/ha/năm.
 
Giảm diện tích nuôi ghép và nuôi ghép hợp lý:
 
Các giống cá truyền thống nếu nuôi đơn rất khó cho năng suất cao nên phải tiến hành nuôi ghép. Do cơ cấu giống chậm thay đổi, tỷ lệ giống cá mè, trôi, trắm còn rất cao nên diện tích nuôi ghép giảm rất chậm. Tuy nhiên cần phổ biến cho người nuôi áp dụng các công thức ghép giống hợp lý để các ao nuôi ghép có thể đạt năng suất bình quân 6 – 8 tấn/ha/năm. Có thể tham khảo 4 công thức ghép sau đây:
 
Nuôi cá mè là chính với mật độ chung 10.800 con/ha. Trong đó mè trắng 60%, mè hoa 5%, trắm cỏ 3%, trôi 25%, chép 7%.
 
Nuôi trắm cỏ là chính với mật độ chung 8.000 con/ha. Trong đó trắm cỏ 50%, mè hoa 2%, mè trắng 20%, trôi 18%, chép 4%.
 
Nuôi rô phi là chính với mật độ chung 10.000 con/ha. Trong đó rô phi 50%, mè trắng 15%, mè hoa 5%, trôi 20%, trắm cỏ 4%, chép 6%.
 
Nuôi Mrigan là chính với mật độ chung 10.000 con/ha. Trong đó Mrigan 60%, trôi trắng 15%, mè trắng 10%, chép 10%, mè hoa 5%.
 
Nâng cao chất lượng giống:
 
Tăng cường quản lý nhà nước về sản xuất, lưu thông giống để có giống chất lượng và sạch bệnh cung cấp cho các vùng nuôi cá. Người nuôi cá cần bỏ tập quán thả giống nhỏ, phải thả cá giống cỡ lớn. Đối với các giống cá truyền thống cỡ giống phải đạt 12 – 15cm (40 – 50 gam/con). Đối với các giống cá mới phải đạt cỡ 5 – 7cm (10 – 15 gam/con).
 
Đẩy mạnh việc sản xuất giống lưu:
 
Thời vụ thả cả giống thường bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán hàng năm (tháng 2 đến tháng 3 dương lịch). Do vậy, nhu cầu giống thả đầu năm là rất lớn, thường không đáp ứng được nên cần mở rộng diện tích ương cá giống từ vụ năm trước, đồng thời giữ lại cá nhỏ khi thu hoạch cá thịt trước Tết để cung cấp giống thả cho đầu năm sau.
 
Giữ giống qua mùa đông:
 
Đối với các giống cá mới như rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá rô đồng… chịu rét kém nên thường chết nhiều vào mùa đông, đầu năm thường thiếu cá giống, nên cần mở rộng diện tích nuôi giữ cá giống qua mùa đông bằng các biện pháp kỹ thuật chống rét cho cá để ngay từ đầu vụ nuôi có đủ giống thả cho kịp thời vụ./.
 
Văn Bằng