Chúng tôi đến thăm khu nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trần Đình Hoàn, thôn Kim Sơn, xã Thượng Lan. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây, ông Hoàn hồ hởi khoe: Chừng một tháng nữa, hai hồ cá thương phẩm của ông sẽ cho thu hoạch.
 
 

 Ông Hoàn vệ sinh ao nuôi thả cá.
Theo ông Hoàn, ban đầu, gia đình ông chuyên chở xe rùa đi bán ở một số tỉnh phía Bắc thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Nguồn tiền này là “đòn bẩy” để ông đầu tư nuôi trồng thủy sản vào năm 2002.
 
Từ 8 sào ao chuyển đổi từ ruộng lúa một vụ không ăn chắc gần nhà, ông Hoàn bắt tay vào nuôi thủy sản. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên cá chết khá nhiều. Không nản chí, ông Hoàn đi học tập kinh nghiệm từ nhiều trang trại nuôi cá ở các tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh. Từ đây, ông rút ra bài học là phải bảo đảm môi trường nước trong lành cho cá sinh sống cũng như phương pháp vệ sinh thú y, tiêu độc khử trùng.
 
Năm 2012, ông tiếp tục chuyển đổi 1,5 mẫu ruộng thuộc khu rộc ao cá của thôn làm thủy sản. Diện tích này được ông quy hoạch thành 4 ao. Trong đó, 2 ao nhỏ để ương cá giống và 2 ao lớn nuôi cá thương phẩm. Để bảo đảm các điều kiện chăn nuôi, ông mạnh dạn mượn sổ đỏ vay ngân hàng 1,7 tỷ đồng cải tạo bờ, ao. 
 
Sau đó, ông thả các loại cá như rô phi đơn tính, trôi, mè... Hiện tại, với 5 ao cá, mỗi năm gia đình ông thu hoạch 2 lần, mỗi lần khoảng từ 15 đến 17 tấn. Tổng thu nhập khoảng 1,3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.
 
Để tận dụng diên tích bờ ao, gia đình ông Hoàn trồng hơn 100 cây bưởi Diễn. Đến nay, số bưởi này đã bói và sẽ cho thu hoạch vào những năm tới.
 
Không chỉ vậy, ông Hoàn còn quy hoạch một khu chuồng trại khá rộng với ý định chăn nuôi lợn thương phẩm thời gian tới. 
 
Tin rằng, với sự cần cù, chịu khó, cùng với sự quyết tâm, ông Hoàn sẽ tiếp tục thành công với mô hình VAC của mình.
 
Theo báo BGĐT