Dù không nằm ở vị trí thuận lợi nhưng Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Lạng Giang (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang), xã Phi Mô, Lạng Giang luôn được người dân, khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến là địa chỉ tin cậy cung cấp cá giống chất lượng cao. Ở đây có những kỹ sư, công nhân đang ngày đêm chăm sóc đàn cá bố mẹ, ương nuôi thành công nhiều giống cá mới.
Kỹ sư Phạm Đình Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Lạng Giang (bên phải) cùng các cán bộ kỹ thuật kiểm tra cá giống.
Nằm sâu trong xã Phi Mô, cách khá xa những trục đường chính nhưng Trung tâm thường tấp nập khách hàng. Ở đây, trụ sở văn phòng, khu nuôi cá bố mẹ, bể đẻ, ương nuôi cá hương, cá bột và nơi trưng bày cá giống được quy hoạch gọn gàng trên quy mô hơn 10 ha, thuận tiện cho sản xuất và giao dịch.
Kỹ sư thủy sản Phạm Đình Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm đã gắn bó với nơi này kể từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay chia sẻ, dù với nhiều người, công việc nuôi ương cá giống chẳng hấp dẫn, thu nhập không cao nhưng cán bộ, nhân viên ở đây vẫn tâm huyết với nghề.
Làm bạn với cá
Nghe những cán bộ, nhân viên ở Trung tâm kể về quy trình sản xuất cá giống mới cảm nhận sự kỳ công, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ngay từ khi chọn cá đưa vào chăm sóc để trở thành cá hậu bị đã phải cẩn trọng. Cá có lý lịch rõ ràng từ hai đến ba đời, được lưu giữ hoặc mua từ Viện Thủy sản về, phải bảo đảm yếu tố di truyền, khỏe mạnh, không dị tật, vây và vẩy sáng màu thì con giống sau này mới thuần chủng. Cũng không phải con cá nào tuyển chọn, nuôi vỗ cũng trở thành cá bố mẹ mà qua nhiều lần chọn lọc khắt khe trong khoảng thời gian một năm tùy loại mới xác định được đàn cá đủ tiêu chuẩn cho sinh sản, thông thường chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 15%.
Mỗi con cá được chọn có thể nuôi gần chục năm phục vụ khai thác trứng. Kỹ sư Phạm Đình Hoàng kể, một con vật nuôi trong nhà chỉ vài tháng đã trở thành bạn với người, đàn cá cũng vậy. Quanh năm chăm sóc, gần gũi chúng nên mỗi cán bộ, nhân viên ở đây có thể cảm nhận được đàn cá yếu hay khỏe, có nguy cơ mắc bệnh gì, nhu cầu thức ăn nhiều hay ít để cung cấp. Những hôm trời lạnh, họ dầm mình trong nước, chăm lo cho đàn cá hoặc đưa cá lên bể cho sinh sản.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay, Trung tâm chú trọng ương nuôi các giống cá chính gồm: Chép lai, rô phi đơn tính, trắm, trôi, mè và cá lăng. Mỗi loài cá có đặc điểm thích nghi, cách sinh sản riêng nên người nuôi áp dụng quy trình chăm sóc, kỹ thuật nuôi khác nhau. Nhờ kinh nghiệm được truyền lại và kiến thức đào tạo trong trường học, gần 40 cán bộ, công nhân ở đây thuộc lòng cách vỗ cá bố mẹ, ương cá hương, cá bột.
Đều đặn hằng ngày, cá bố mẹ được cho ăn theo giờ, thăm khám sức khỏe và phòng trị các loại bệnh; tách đàn cá đến kỳ sinh sản thành từng nhóm để kích thích đẻ trứng.
Đó là chưa kể những khi trái gió trở trời hay nhiệt độ xuống thấp, cá cũng cần được bổ sung ô xy, chống rét. Có những con cá chép, cá mè trọng lượng 4 - 5 kg đã ở đây gần chục năm. “Người nuôi cá sinh sản “bấn” như có con mọn, luôn chân luôn tay cả ngày đêm. Bù lại, đàn cá khỏe mạnh, cho những lứa trứng nhiều, ương an toàn thành cá bột, cá hương cung cấp cho người nuôi thủy sản là niềm vui của chúng tôi”, anh Hoàng chia sẻ. Dù kỹ thuật nuôi ngày càng hiện đại nhưng không phải năm nào cũng bảo vệ đàn cá thành công. Năm 2008, rét hại kéo dài làm hơn 1 tấn cá bố mẹ bị chết khiến nguồn cá giống thời điểm đó khan hiếm, đơn vị phải mất thời gian dài tuyển chọn, bổ sung…
Trắng đêm canh… trứng
Với 10 nghìn con cá bố mẹ, mỗi năm, Trung tâm sản xuất 100 triệu con cá bột, 18-20 triệu cá hương, 15-18 triệu con cá giống. Những cán bộ, nhân viên ở đây ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật nuôi cá sinh sản chuyên sâu.
Trong kỹ thuật nuôi cá giống, khó nhất là việc chọn những con cá bố mẹ đến kỳ sinh sản để khai thác. Thông thường, việc này phải dùng thiết bị “thăm trứng”, lấy trứng “non” từ bụng từng con cá mẹ để xác định đã đến kỳ sinh sản hay chưa, từ đó tách đàn khai thác. Nếu chọn không “trúng”, cá không sinh sản hoặc đẻ ít, chất lượng không bảo đảm.
Ở Trung tâm có kỹ sư trẻ Dương Văn Phú, cán bộ kỹ thuật, nhờ kinh nghiệm, không cần thiết bị mà chỉ nhìn hoặc sờ là biết con cá nào đến kỳ sinh sản. “Cá sinh sản tự nhiên nên khi nuôi để đẻ, mỗi ngày Trung tâm chỉ tuyển vài con đến vài chục trong số hàng nghìn con tiêm thuốc kích thích đẻ trứng. Chúng được tách đàn, tiêm thuốc đưa vào bể đẻ khai thác từ 1 đến 3 ngày tùy loại, nhiệt độ nước và khả năng sinh sản của từng con. Trong thời gian đó, cán bộ kỹ thuật phải thức đêm cùng cá, lo canh trứng”, kỹ sư Phú giới thiệu.
Cũng do đặc tính, quy trình sản xuất cá giống và nhu cầu thị trường, hầu như đêm nào, cán bộ, nhân viên ở đây cũng thay nhau thức cho cá sinh sản. Cá đẻ trứng, thụ tinh được đưa vào bể thu trứng và ấp nở cá bột, cá hương từ 3 đến 10 ngày, sau đó san thưa, nuôi thành cá giống. Khi cá vào bể đẻ, người canh trứng phải bảo đảm duy trì nhiệt độ nước phù hợp, tách trứng cá kịp thời và ương sao cho trứng nở đều, tỷ lệ cao.
Mỗi lứa, hàng nghìn, hàng vạn con cá nhỏ xíu mới nở được chăm trong điều kiện đặc biệt vài ngày, sau đó đưa ra ao nuôi bên ngoài. Dù kỹ thuật cho cá sinh sản không đơn giản song những cán bộ kỹ thuật ở đây chưa từng để xảy ra những sai sót lớn, đàn cá bố mẹ luôn an toàn, sản lượng cá giống lớn. "Những đêm thức canh cho cá đẻ, người trực phải luôn chân luôn tay, sao cho chúng đẻ an toàn, kịp thời thu nhiều trứng chuyển sang bể ấp nở. Nếu chủ quan có thể trôi hết trứng, công sức coi như bỏ đi", kỹ sư Phú tâm sự. Cũng theo anh Phú, việc chọn đúng cá bố mẹ đủ thành thục để kích thích cho sinh sản quyết định tới năng suất, sản lượng cũng như chất lượng con giống là quan trọng.
Nếu cá còn non có thể không sinh sản hoặc đẻ trứng rải rác, mất nhiều thời gian mà con giống không bảo đảm. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu, phức tạp còn được kỹ sư Phú áp dụng thành công. Ví như loài cá lăng chỉ có thể sinh sản tự nhiên, khi đưa vào Trung tâm nhân giống, anh Phú dùng kỹ thuật mổ bụng lấy tinh sào của cá bố để thụ tinh, sau đó khâu lại và tiếp tục chăm sóc cá bố phát triển khỏe mạnh. Cách làm này khiến nhiều chuyên gia đầu ngành ở Viện Thủy sản khâm phục.
Dù công việc luôn bận rộn, thu nhập không cao nhưng những cán bộ, nhân viên ở đây luôn tâm huyết với nghề, thậm chí có nhiều cặp vợ chồng đã gắn bó với Trung tâm hàng chục năm như các gia đình: Anh Phạm Hồng Thanh - chị Lê Thị Kim Ngân; anh Dương Văn Lưu – chị Dương Thị Nhung…
Niềm vui của họ là làm chủ kỹ thuật nuôi cá sinh sản, cung cấp cho người dân những đàn cá giống bảo đảm chất lượng cao theo đúng tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, nhờ những thành tích xuất sắc, Trung tâm vinh dự nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành T.Ư và tỉnh, huyện Lạng Giang.
Theo BGĐT
Tin liên quan:
- TTKN: Nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc cho năng suất vượt trội (05-04-2021)
- Lạng Giang: Làm giàu từ nuôi cá truyền thống (01-04-2021)
- CÁ TRA THỜI ẢM ĐẠM (16-06-2020)