(Thủy sản Việt Nam) - Với những đổi mới, sáng tạo, áp dụng công nghệ cũng như hiệu quả mang lại trong quá trình sản xuất của mình, 16 nông dân nuôi trồng thủy sản đã vinh dự được tôn vinh Nông dân Việt Nam suất xắc năm 2019.
Điển hình trong các nông dân thuộc lĩnh vực thủy sản được tôn vinh là ông Nguyễn Hồng Cương tại P. Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Năm 1994, ông Cương quyết định thuê vùng đất sình lầy nhiễm mặn ở xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu, thả những con tôm giống đầu tiên. Hơn chục năm sau, ông tiếp tục thuê đất đào ao nuôi TTCT theo công nghệ mới. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năm 2010, sản lượng tôm ông thu hoạch được từ 3,5 ha là 68 tấn, cho doanh thu 6,8 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông lãi hơn 1 tỷ đồng, trở thành nhà nông tỷ phú xứ Nghệ. Từ đó, ông cũng bắt đầu sản xuất tôm giống để cung ứng ra thị trường phía Bắc. Đến nay, tổng diện tích ao nuôi của gia đình ông đạt 19,5 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thương phẩm là 18 ha cho năng suất 250 tấn/năm; diện tích ao nuôi tôm giống là 1,5 ha cung cấp 300 triệu con/năm. Tổng doanh thu hàng năm của ông Cương là 50 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 9 tỷ đồng. Không chỉ là nông dân có doanh thu cao nhất, ông Cương còn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” tạo ra nhiều việc làm nhất với 55 lao động thường xuyên hưởng lương và 50 - 70 lao động thời vụ.
Thu hoạch tôm tại Nghệ An - Ảnh: Đình Thắng
Anh Trần Đình ở P. Tân Dân, TP Chí Linh được mệnh danh là tỷ phủ cá lồng tại Hải Dương được tôn vinh danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019. Anh Trần Đình đang là chủ một trang trại lớn chuyên cung cấp cá lồng, cá giống cho toàn miền Bắc với doanh thu đạt được hàng chục tỷ đồng, thu lãi mỗi năm vài tỷ đồng. Hiện, gia đình anh Đình đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng vào trang trại và các bè cá lồng của, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Với trên 60 lồng cá, trong đó chủ yếu là các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như điêu hồng, lăng, trắm đen, hô, quế, chép giòn, đều đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, sản phẩm cá trắm đen và cá chép của anh được dán tem truy xuất nguồn gốc để chứng minh cá được nuôi theo quy trình sạch, an toàn, không chất cấm, không dùng kháng sinh. Mỗi năm, trang trại của anh xuất từ 350 - 400 tấn cá, phục vụ thị trường các tỉnh miền Bắc...
Từ người lái xe trở thành “tỷ phú” hải sản bên đầm Cù Mông là cách mà ông Lâm Xuân Hóa (SN 1971) ở thôn Hòa Mỹ, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, Phú Yên đã thành công với mô hình nuôi cá lồng bè của mình. Ông Hóa tâm sự, trước khi bám đuổi nghề nuôi tôm, cá, ông đã có gần chục năm mưu sinh bằng nghề lái xe ôtô tải xuôi Nam ngược Bắc. Trong hành trình vất vả kiếm cơm, lắm lúc ông tự hỏi vì sao mình đang sinh sống bên đầm Cù Mông mà không khai thác tiềm năng mặt nước để phát triển kinh tế bằng nghề nuôi tôm, cá? Từ suy nghĩ đó, đầu năm 2009, ông dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu kết hợp vay mượn thêm bạn bè, người thân để mua 1.000 m2 đất bãi bồi ven đầm Cù Mông rồi đào đắp đìa nuôi tôm sú với tổng chi phí lên đến… 12 lượng vàng. Và hiện ông Hóa đã sở hữu 7 ha ao đìa thả nuôi tôm thẻ, cá mú, cá chẽm, ốc hương với nguồn thu mỗi năm từ 3 - 5 tỷ đồng, còn lợi nhuận từ việc thu mua hải sản ven đầm Cù Mông mỗi năm từ 1 - 1,5 tỷ đồng; cùng đó, giải quyết nhân lực lao động thường xuyên 50 người với mức thu nhập mỗi người 6 triệu đồng/tháng và trên dưới 100 lao động thời vụ với tiền công mỗi ngày 200.000 đồng.
Được mệnh danh là “vua” tôm, cua, ông Lê Trọng Nghĩa tại ấp An Hải, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ là nông dân duy nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019. Hiện, ông Nghĩa đang nuôi 2 ha diện tích TTCT và tôm sú đạt sản lượng 50/tấn/năm, lợi nhuận 18 tỷ đồng/3 năm; 1,5 ha diện tích nuôi cá chẽm năng suất đạt 30 tấn/năm, lợi nhuận 2,7 tỷ đồng/3 năm. Được biết từ năm 2007 đến nay, ông Nghĩa liên tục được bằng khen của UBND tỉnh về thành tích trong phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”. Không chỉ vậy, ông Nghĩa còn là người rất nhiệt tình tham gia đóng góp các hoạt động, phong trào thiện nguyện ở địa phương…
Theo: thuysanvietnam.com.vn
Tin liên quan:
- Một số biện pháp kỹ thuật chống nóng cho cá, tôm nuôi vào mùa hè (17-02-2022)
- CHẾ BIẾN THỦY SẢN TIÊU THỤ NỘI ĐỊA: THAY ĐỔI TÍCH CỰC (19-05-2020)
- THỦY SẢN TRƯỚC CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TỪ CPTPP (19-05-2020)