“Con tôm ôm cây lúa” tuy không phải là mô hình mới nhưng năm 2009 vừa qua là năm mô hình này phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Từ năm 2000 bà con đã thực hiện kết hợp nuôi tôm trên đất lúa nhưng do nôn nóng nuôi không đúng kỹ thuật dẫn đến thất bại. Sau đó rất nhiều người đã chán nản và quay lưng. Song cùng với khuyến cáo của Bộ Nông Nghiệp các tỉnh đã bắt đầu thực hiện bài bản, và hình thức nuôi luân vụ tôm lúa đã kéo người dân trở lại
 
Hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long khoảng 120 000 ha, trong đó Cà Mau là tỉnh có diện tích lớn nhất. Trong 3 năm trở lại đây, và đặc biệt là năm 2009 diện tích tôm lúa tăng nhanh: năm 2008 khoảng 42 ngàn hecta, còn năm 2009 là 51 ngàn hecta. Người dân cho biết tôm lúa kết hợp không chỉ giúp đất màu mỡ hơn, lúa ít sâu bệnh hơn mà con tôm cũng phát triển tốt hơn, tận dụng được nguồn thức ăn. Mỗi hecta nuôi tôm có thể thu nhập thêm 3- 3,5 tấn lúa. Ông Nguyễn Thông Nhận- Phó Giám đốc Sở NN-PTNN Cà Mau nói:
 
Còn tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng mỗi hộ lãi 15-16 triệu đồng/hecta do kết hợp tôm lúa nhưng lúa giống là loại lúa thơm cao sản theo quy trình sạch. Và rất nhiều tỉnh như Bạc Liêu, Kiên Giang…đều giúp nông làm giàu nhờ áp dụng mô hình xen canh này. Không chỉ là mô hình đơn giản, bền vững mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Trần Thanh Bé- viện trưởng viện nghiên cứu vùng ĐBSCL đánh giá:
 
Để nâng cao chất lượng cũng như duy trì, phát triển mạnh hơn hiệu quả của mô hình này, ông Trần Thanh Bé cho rằng sắp tới cần đầu tư, cải thiện hệ thống thủy lợi để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập, một vấn đề đặt ra nữa là cần quy hoạch vùng nguyên liệu và đầu tư các giống lúa chất lượng cao.
 
Thực hiện đề tài “nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản nấm rơm và bào ngư trên nguồn nguyên liệu rơm và lục bình giai đoạn 2008- 2010”, Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An đã thí điểm trên một số hộ và từ kết quả đạt được ban đầu, đến nay mô hình trồng nấm rơm trên rơm và lục bình được rất nhiều bà con áp dụng. Kỹ sư Phan Phùng Sanh- liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM cho biết: dùng giá thể lục bình để trồng nấm rơm là một phát hiện rất mới. Bởi vì lục bình trôi nổi ở các con sông là vấn nạn ô nhiễm cũng như ách tắc dòng chảy thì việc tận dụng nguồn nguồn liệu dư thừa này để sản xuất nấm rơm là một công đa lợi ích. Kỹ thuật rất đơn giản mà hiệu quả kinh tế thì cao gấp 4 lần trồng trên rơm. Ông Nguyễn Thanh Tùng- GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Long An nói:
 
Điểm qua những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong năm vừa qua, không thể không kể đến những mô hình quen thuộc với người dân như nuôi nhím, thỏ, baba, cá và rất nhiều những mô hình VAC khác không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được nâng cao, đã tạo cho ngành nông nghiệp một bức tranh khá ấn tượng
 
Dễ dàng thấy được những mô hình càng đơn giản, bền vững mà hiệu quả kinh tế cao đang là xu hướng mới giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập. Người dân ngày càng sáng tạo hơn trong việc phát hiện, phát triển nhiều hơn những mô hình mới, lạ, hiệu quả cao.
 
Với diễn biến phức tạp của giá cả thị trường, biến đổi khí hậu thì việc ra đời những mô hình mới, những phương thức sản xuất mới không chỉ góp phần nâng cao năng suất mà còn cho thấy bước tiến dài cùng sự đột phá của ngành nông nghiệp nước nhà. Và hy vọng rằng bước qua năm 2010 bức tranh nông nghiệp sẽ có thêm nhiều màu sắc hơn.
 
Minh Nga