Yên Thế là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, diện tích vườn đồi khá lớn, có độ dốc thấp rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia cầm, nhất là chăn nuôi gà theo phương thức thả vườn đồi. Hiện nay, chăn nuôi gà đã trở thành một nghề đối với người dân nơi đây nhưng cuối năm 2007 đầu năm 2008, trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài đã làm chết hàng loạt đàn gia cầm, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trước tình hình đó, ông Trần Quang Đạo, sinh năm 1952 - Chủ tịch Hội Nông dân Thị trấn Cầu Gồ huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang đã tìm tòi, sáng tạo ra “Kiểu chuồng úm, nuôi gà đảm bảo chất lượng và tiết kiệm điện”.
 
Trong đợt rét đầu năm 2008, đàn gà của gia đình ông cũng bị chết vài trăm con. Nhiều đêm ông trăn trở: Làm sao phải giữ ấm cho đàn gà không bị chết rét, giảm chi phí đầu vào và tiết kiệm điện… Lúc đầu ông đặt vài chiếc bếp than tổ ong vào trong chuồng gà nhưng vì trời rét phải che kín chuồng nên khói từ bếp than đã ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gà. Làm thế nào để dẫn khói ra ngoài? Câu hỏi đó cứ luôn ám ảnh trong tâm trí ông. Rồi ông nghĩ đến ngày còn là bộ đội chống Mỹ mình đã sử dụng “bếp Hoàng Cầm” để che mắt quân địch, tại sao không sử dụng nguyên lý đó, nhưng lại nghĩ nhiệt của lửa tạo ra phải được phân bố đều trong chuồng nuôi. Khi ấy ông lại nhớ ra cách thức để sấy lá cây thuốc lá ngày còn “bao cấp”. Thế là ông cùng các con bắt tay vào thực hiện ý tưởng xây một chuồng nhỏ 28-30 m2 (quy mô úm từ 400-500 con). Trong quá trình nuôi thử nghiệm bằng chuồng “cải tiến” đã đem lại kết quả. Trao đổi với chúng tôi, ông cho biết kỹ thuật xây chuồng “cải tiến” không khó như:
 
Nên chọn hướng Đông Nam để xây chuồng nhằm đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Xây tường cao 0,8m, bổ cột cao từ 1,8-2m, hai đầu hồi để ô thoáng, mở một cửa ra vào về phía Đông. Dùng lưới mắt nhỏ bao quanh hai sườn từ tường đến mái, dùng bạt che bên ngoài lưới để tránh mưa hắt và gió lùa (bạt có thể cuốn lên khi thời tiết nóng bức). Mặt nền cán bằng hỗn hợp vôi, si, cát, xỉ than nhỏ (vữa ba ta), phần mái lợp bằng brôximăng hoặc lá cọ, cỏ tranh... tương tự một chuồng nuôi bình thường. Khi đã có chuồng, trước khi cán nền tiến hành đào hệ thống dẫn nhiệt, chọn phần chính giữa của đầu hồi (tùy theo địa hình) đào bầu tạo nhiệt dài 1,5m, rộng 0,6m, sâu 0,5m (xây gạch cuốn bầu). Đào hai đường dẫn nhiệt xung quanh mặt bằng của nền chuồng sao khoảng cách tương đối đều nhau và thông ra cửa hút gió phía đầu hồi đối diện, xây ống khói hoặc dùng ống nhựa to (đường kính 10-20cm) để dẫn khói lên cao, ống dẫn khói phải cao hơn nóc chuồng 2-3m để khói không vào chuồng.
 
Ống dẫn nhiệt được đào rộng 30cm sau đó rải một lượt ba ta dày từ 3-5cm để lấy mặt phẳng, tiếp theo lấy gạch chỉ xây 2-3 hàng (như hình ảnh) tạo thành ống dẫn nhiệt rộng từ 15-18cm, đặt gạch theo chiều dọc cách nhau 1-2cm không lấp vữa (để nhiệt tỏa ra hai bên) sau đó dùng ngói móc hoặc xỉ than lát ngang ống dẫn nhiệt, dùng vữa ba ta rải lên mặt ngói từ 1-2cm. Cuối cùng cán mặt nền chuồng bằng một lượt ba ta dày 2-3cm.
 
Lưu ý: Mặt phẳng của đường ống dẫn nhiệt phải có độ nghiêng khoảng 20 độ để khói được hút lên trên; điểm đầu của ống dẫn nhiệt thẳng (điểm tiếp giáp với bầu tạo nhiệt) phải cao hơn so với hai đầu ống dẫn nhiệt cong để nhiệt được phân bố đều trong ba ống; nếu xây chuồng dài thì cứ khoảng 7m tạo một đường ống dẫn khói ngang sang hai bên sườn tường.
 
Chuồng úm và nuôi gà cải tiến, sử dụng mùn cưa, lá hoặc cành tăm cây vải khô tạo nhiệt thông qua hệ thống ống dẫn nhiệt thiết kế ngầm dưới nền chuồng là phương pháp hoàn toàn mới. Khi đốt bằng mùn cưa, lá vải khô ở bầu, nhiệt được dẫn theo đường dẫn nhiệt tỏa đều vào nền chuồng, làm cho nền chuồng luôn khô ráo, nhiệt độ trong chuồng không vượt quá 35oC. Khi muốn điều chỉnh giảm nhiệt độ chỉ cần dùng một tấm ván đậy cửa bầu lò lại, dần dần nhiệt sẽ hạ theo yêu cầu, muốn tăng thì làm ngược lại, nếu đốt bằng các vật liệu khác như than, củi điều chỉnh được nhiệt, chi phí cao lại
 
phải thường xuyên phải tiếp nhiên liệu còn với mùn cưa chỉ cháy âm ỉ, thời gian dài và nhiệt sinh ra không cao, tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương.
 
Qua quá trình chăn nuôi thực tế có sự so sánh đối chứng cho thấy, chuồng gà cải tiến do ông Đạo sáng chế có những ưu điểm như đảm bảo về thời gian, kỹ thuật trong việc úm gà con cũng như trong suốt quá trình nuôi thương phẩm, giảm được 550.000đ/1.000 gà so với phương pháp dùng điện hoàn toàn để sưởi ấm, chiếu sáng. Đặc biệt từ khi sử dụng kiểu chuồng này đàn gà của ông không mắc các bệnh về đường hô hấp, tiêu hoá như CRD, Ecoli... giảm chi phí thuốc thú y...
 
Với giải pháp “Cải tiến chuồng úm, nuôi gà chống rét”, tháng 10/2009 vừa qua ông nhận được giải ba trong hội thi “Sáng tạo kỹ thuật” tỉnh Bắc Giang lần thứ III. Đến nay, ông đã chuyển giao kỹ thuật xây dựng chuồng cải tiến đến cán bộ khuyến nông, hội nông dân của tất cả các xã và xây mới hoặc sửa chữa trên 500 chuồng trong huyện Yên Thế. Sáng tạo của ông rất phù hợp với các hộ chăn nuôi ở các tỉnh miền núi phía bắc./.