Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của hội viên. Trong đó phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoạt động của tổ chức hội.
 
Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã trở thành phong trào cách mạng trong thời kỳ đổi mới của giai cấp nông dân, 5 năm qua (2005-2010) phong trào phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thu hút hàng vạn hộ nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và nội lực của từng gia đình trong tỉnh. Phong trào đã và đang tạo ra những tiền đề và điều kiện cần thiết để chuyển mạnh nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp. Nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã vươn lên thành chủ các trang trại, doanh nghiệp, tổ hợp tác và hợp tác xã. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức phong trào, Hội đã phát động, vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương “Dồn điền đổi thửa”, xây dựng cánh đồng thu nhập cao, hộ nông dân thu nhập trên 50 triệu đồng, tham gia thực hiện tốt các chương trình phối hợp với các ngành, doanh nghiệp để tạo vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư, phân bón cho nông dân; xây dựng các mô hình trình diễn, các cuộc hội thảo, hội nghị trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hội thi tìm hiểu kiến thức sản xuất nông nghiệp để phổ biến kinh nghiệm, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) và công nghệ cho nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 3 cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” nhằm phát động trong cán bộ, hội viên, nông dân phong trào thi đua sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, khơi dậy tinh thần sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
 
Trong 5 năm, các cấp hội đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội thông qua tín chấp, uỷ thác giúp đỡ cho gần 40.000 lượt hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với số dư nợ gần 1.300 tỷ đồng; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức gần 30.000 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho trên 100.000 lượt cán bộ, hội viên tham dự; xây dựng hàng nghìn mô hình ứng dụng giống cây, con mới, công nghệ tiên tiến; hợp đồng cung ứng hàng vạn tấn phân bón theo phương thức trả chậm; giới thiệu 12.000 lao động có việc làm trong nước, 10.000 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Chỉ đạo các cấp hội tiếp tục vận động hội viên và nông dân phát huy nội lực, vận động xây dựng, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn quỹ, vốn đầu tư phát triển sản xuất. Điển hình như quỹ hoạt động Hội các cấp đã vận động được hơn 14 tỷ 237 triệu đồng; quỹ hỗ trợ nông dân vận động được gần 5 tỷ 921 đồng đã tạo điều kiện cho hàng ngàn lượt hội viên, nông dân vay phát triển sản xuất. Từ các nguồn vốn hỗ trợ việc làm, quỹ hỗ trợ nông dân do Trung ương Hội ủy thác... Hội Nông dân tỉnh tập trung xây dựng các mô hình điểm, dự án đạt hiệu quả cao như: Dự án Canh tác nông nghiệp hữu cơ trên cây vải, cây rau tại huyện Lục Ngạn, Lạng Giang; khôi phục nghề làm mỳ tại Nam Dương (Lục Ngạn), nghề làm nón tại Đào Mỹ (Lạng Giang), sản xuất và kinh doanh đồ mộc tại Lãng Sơn (Yên Dũng), Dĩnh Trì (Lạng Giang); hỗ trợ nông dân nghèo chế biến thức ăn để phát triển chăn nuôi tại Yên Thế; nuôi gà bằng phương pháp sinh học tại Yên Dũng,… đã giúp cho hàng ngàn nông dân có điều kiện sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
 
Hàng năm, các cơ sở, chi hội phát động hội viên, nông dân đăng ký đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đồng thời nắm chắc các hộ nghèo, tìm rõ nguyên nhân, từ đó phân công cán bộ hội cùng với các chi, tổ hội, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi động viên, giúp đỡ các hội viên nghèo về vốn, kỹ thuật, giống, kinh nghiệm sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Kết quả, số hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi ở cả 4 cấp năm sau cao hơn năm trước. Năm 2009 có 100.928 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi, tăng 15.803 hộ so với năm 2005, trong đó cấp xã 80.615 hộ, cấp huyện 15.542 hộ, cấp tỉnh 3.659 hộ, cấp TW 1.112 hộ, một số đơn vị có số hộ đăng ký và đạt tỷ lệ cao như huyện Lạng Giang, Tân Yên, TP Bắc Giang. Phong trào đã góp phần xây dựng được trên 12.000 ha cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, 23.924 hộ thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 200-500 triệu đồng. Đã xuất hiện trên 7.000 mô hình sản xuất kết hợp, trong đó có 4.154 mô hình sản xuất vườn đồi nông – lâm kết hợp; 1.439 mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi - kinh doanh tổng hợp…
 
Phong trào sản xuất kinh doanh giỏi đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn, với tinh thần: “Lá lành đùm lá rách, người đi trước rước người đi sau, người đi sau theo mau người đi trước ” gắn với phương thức “cầm tay chỉ việc”, tổ chức cho vay vốn đi đôi với hướng dẫn sản xuất, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã giúp đỡ các hộ nông dân nghèo kinh nghiệm làm ăn, vốn sản xuất, lương thực, vật tư, giống, ngày công để phát triển sản xuất kinh doanh… Trong 5 năm, các hộ đã giúp đỡ về vốn được hơn 3.152 triệu đồng, 228.871 con giống, 574.214 cây giống và 119.073 ngày công… Hội tổ chức tọa đàm để các hộ sản xuất kinh doanh giỏi trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo, đồng thời tạo việc làm cho 25.261 lao động có thu nhập từ 800.000đ- 2.000.000đ/tháng. Phong trào đã phát huy tinh thần hữu ái giai cấp, là cơ sở cho tinh thần đoàn kết nông thôn và giúp đỡ được 116.156 hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo từ 30,67% năm 2005 xuống còn 16,96% năm 2009, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn.
 
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm tiền đề cho một nền sản xuất hàng hóa. Đã có một bộ phận đáng kể nông dân mở rộng quy mô hoặc đầu tư chiều sâu trở thành các chủ trang trại trong sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và sản xuất ngành nghề dịch vụ. Không ít trang trại đã sử dụng hàng chục lao động thường xuyên, hàng trăm lao động thời vụ, sử dụng hàng chục ha đồi rừng, ao, hồ, ruộng trũng sản xuất ra một khối lượng hàng hóa lớn. Một số nơi đang hình thành sản xuất tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm như vùng cây ăn quả ở Lục Ngạn, Yên Thế… Đến nay, toàn tỉnh có 3.067 trang trại, kinh tế trang trại đã khai thác có hiệu quả lao động, tiền vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa, nhiều mô hình sản xuất được ứng dụng KHKT mới nên đạt giá trị rất cao trên một đơn vị diện tích như nuôi con đặc sản, ong… Nhiều chủ trang trại đã trở thành những tỷ phú nông dân như trang trại của anh Phạm Văn Huy ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng), ông Bùi Đức Long ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn), bà Phan Thị Hạnh ở Tam Tiến (Yên Thế),… Thông qua phong trào đã hình thành các tổ liên kết, chi hội nghề nghiệp tạo thành vùng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao như các chi hội nghề nghiệp nuôi thỏ, nuôi bò, nuôi nhím ở huyện Lạng Giang, TP Bắc Giang; HTX nuôi con đặc sản ở huyện Lục Ngạn, Hiệp hội sản xuất gạo thơm ở Yên Dũng,…
 
Phong trào đã làm thay đổi phương thức, tập quán sản xuất cũ nhỏ lẻ sang hợp tác đa canh, đa con, có quy mô theo hướng sản xuất hàng hoá. Hội viên, nông dân biết ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất tăng năng suất, bảo đảm chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Trình độ sản xuất kinh doanh và năng lực quản lý, khả năng tiếp cận thị trường của nông dân được nâng cao, sản phẩm làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Từng bước xây dựng nhãn hiệu, địa chỉ tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm và đầu ra ổn định cho những sản phẩm chủ lực như vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, rượu Làng Vân, nếp Phì Điền. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa nông dân mà còn mở ra mối liên kết “4 nhà”, góp phần tăng cường khối liên minh công-nông-trí thức, thúc đẩy công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 
Kết quả phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi đã góp phần thúc đẩy công tác xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, đến nay hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có tổ chức hội với 239.144 hội viên, đạt trên 80% so với tổng số hộ nông nghiệp. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội ngày càng đổi mới, thực hiện tốt vai trò chăm lo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho nông dân, góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Xứng đáng với vai trò trung tâm và nòng cốt cho các phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới./.