Năm nay là năm thứ hai và cũng là năm kết thúc đề án phát triển lúa lai của tỉnh giai đoạn 2009-2011. Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 15.000 ha lúa lai (bằng 30% diện tích gieo cấy cả vụ) nhưng chỉ đạt 10.815 ha, thấp hơn dự kiến 4.185 ha.
 
Theo ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thì nguyên nhân chính vẫn là do khó khăn về kinh phí nên năm nay phần hỗ trợ của tỉnh (40% giá giống) chỉ đạt 9,4 tỷ đồng thay vì 15,8 tỷ đồng theo kế hoạch. Theo đó, lượng giống cung ứng trong vụ này đạt 276,5 tấn, thay vì 420 tấn như dự kiến. Tuy nhiên, do tiết kiệm giống trong khâu gieo cấy nên diện tích thực có thể cao hơn con số đã thống kê. Thêm vào đó, có thể một số nơi người dân đưa lúa lai vào gieo cấy cả ở vụ mùa nên diện tích cả năm khả năng vẫn đạt 15.000 ha. Qua tìm hiểu được biết mặc dù khó khăn về kinh phí hỗ trợ đã khiến tổng diện tích lúa lai trong toàn tỉnh đạt thấp nhưng ở nhiều huyện, chính quyền và cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác chỉ đạo, hỗ trợ nhân dân gieo cấy lúa lai đạt và vượt kế hoạch đề ra như: Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, Yên Thế, Tân Yên.
 
Là huyện miền núi, diện tích gieo cấy cả vụ cũng như diện tích lúa lai không lớn, vì thế UBND huyện Yên Thế đã tập trung chỉ đạo và làm tốt công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân về kinh phí, tổ chức tập huấn kỹ thuật, liên kết với đơn vị cung ứng giống để bảo đảm đủ nguồn giống chất lượng tốt, cử cán bộ bám sát đồng ruộng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ 20% giá giống, ngoài ra nhiều xã còn trích kinh phí hỗ trợ thêm như Xuân Lương, Hương Vĩ, An Thượng… Nhờ những biện pháp đó nên diện tích lúa lai của huyện được giao theo kế hoạch là 700 ha nhưng kết quả gieo cấy vượt 162 ha. Tại xã An Thượng, vụ chiêm xuân năm 2010 chỉ có hơn một ha lúa lai, năm nay huyện giao chỉ tiêu 15 ha, người dân đã cấy 22,3 ha; xã Xuân Lương được giao kế hoạch 90 ha, người dân đã cấy tới 104 ha, chiếm gần 100% diện tích gieo cấy của xã.
 
Tại huyện Lục Nam, UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ 20% giá giống và toàn bộ kinh phí tập huấn kỹ thuật. Điển hình làm tốt công tác chỉ đạo, hỗ trợ người dân đưa lúa lai vào sản xuất phải kể đến xã Bảo Đài. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh và huyện, UBND xã hỗ trợ 40% giá giống còn lại. Vì vậy diện tích lúa lai của xã tăng từ 18 ha năm ngoái lên 160 ha năm nay. Kết quả gieo cấy lúa lai vụ này toàn huyện đạt 1.700 ha, tăng 200 ha so với kế hoạch và tăng 1.000 ha so với năm 2010.
 
Bên cạnh nhiều huyện làm tốt, việc đưa lúa lai vào sản xuất ở một số địa phương còn gặp khó khăn. Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà Nguyễn Hữu Chính cho biết, do kinh phí hạn hẹp nên năm nay ngoài phần hỗ trợ của tỉnh, UBND huyện không hỗ trợ 20% giá giống như năm trước mà chỉ hỗ trợ 2kg ka li/sào. Tỉnh giao kế hoạch gieo cấy lúa lai toàn huyện là 2.000 ha, UBND huyện chỉ “dám” đăng ký sản xuất 1.500 ha nhưng kết quả chỉ đạt 1.350 ha. Xã Đoan Bái năm 2010 đăng ký mua hơn 3 tấn giống lúa lai, năm nay giảm xuống còn 1,9 tấn. Tại xã Danh Thắng, anh Đỗ Hà Giang, cán bộ khuyến nông xã cho biết vụ này xã có 40 ha lúa lai, thấp hơn so kế hoạch huyện giao và vụ chiêm năm ngoái gần 10 ha. Có một số nguyên nhân khiến diện tích lúa lai của xã giảm do những vụ trước lúa lai TH3-3 trỗ bông không đều, năng suất thấp nên những vụ sau nông dân không mặn mà với lúa lai vì vậy diện tích gieo cấy có xu hướng ngày càng giảm. Thêm vào đó, giá giống quá cao cũng là một lý do khiến người dân chưa thể mở rộng diện tích lúa lai chất lượng cao. Chị Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng cho biết do giá giống các loại như Syn 6, Thục Hưng 6 rất đắt (hơn 80 nghìn đồng/kg), ngoài phần hỗ trợ của tỉnh người dân phải đối ứng 52-53 nghìn đồng/kg nên chị chọn cấy giống Q ưu có giá giống rẻ hơn. Cũng vì giá giống cao, lại có sự chênh lệch lớn với địa bàn khác nên người dân ở một số xã như Châu Minh, Đoan Bái, Mai Đình không đăng ký mua giống tại huyện mà nhờ mua ở các địa phương khác như Yên Phong (Bắc Ninh), Phú Bình (Thái Nguyên)… Tìm hiểu tại một số xã trên địa bàn huyện thì thấy việc khó mở rộng diện tích lúa lai còn do lao động nông nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực khác nên không mấy quan tâm đầu tư nâng cao năng suất lúa. Ngoài ra, công tác kiểm soát và cung ứng giống lúa lai cho nông dân năm nay còn để xảy ra tình trạng giống chất lượng kém làm ảnh hưởng đến thời vụ, thiệt hại kinh tế và gây mất lòng tin của một bộ phận người dân.
 
Thành công trong sản xuất lúa lai đại trà đã được khẳng định nhưng để cây lúa lai phát triển vững chắc đòi hỏi công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất cho nông dân phải được thực hiện thường xuyên với quyết tâm cao. Trước mắt, cấp uỷ, chính quyền và cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc tốt vụ lúa chiêm xuân năm nay để tiếp tục khẳng định hiệu quả sản xuất lúa lai từ đó tăng sức thuyết phục đối với nông dân. Chính sách, biện pháp hỗ trợ sản xuất lúa lai nên xem xét tiếp tục duy trì phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cơ quan chuyên môn nêu cao trách nhiệm, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, chủ động trong việc xây dựng và giao kế hoạch gieo cấy. Đặc biệt cần coi trọng về chất trong sản xuất lúa lai bằng việc khuyến cáo nông dân tuân thủ quy trình kỹ thuật trong sản xuất; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng giống cũng như các loại vật tư; bảo đảm đầy đủ các điều kiện phục vụ sản xuất; nắm bắt diễn biến, phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức sản xuất./.
 
(TheoBáo Bắc Giang)