Thực hiện Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2006-2010, đến nay huyện Yên Dũng đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung với sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Huyện Yên Dũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Khai thác thế mạnh này, giai đoạn 2006-2010, UBND huyện đã xác định rõ đối tượng ưu tiên hỗ trợ là: lúa thơm, bò lai Sind và thủy sản. Theo đó, để tạo cơ sở vững chắc cho sản xuất, huyện chú trọng quy hoạch thành các vùng chuyên canh, có chính sách hỗ trợ cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng. Từ năm 2006 đến nay, huyện đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng các trạm bơm cục bộ, nạo vét, cứng hóa kênh mương nội đồng để chủ động nước tưới phục vụ sản xuất. Đồng thời liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Viện Khoa học kỹ thuật Việt Nam cung cấp giống lúa thơm siêu nguyên chủng bảo đảm chất lượng cho nông dân với mức trợ giá từ 30-70% nhằm từng bước xây dựng thương hiệu gạo thơm Yên Dũng. Ngoài ra, mỗi năm huyện trích ngân sách từ 300-500 triệu đồng hỗ trợ nông dân xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản với mức 1 triệu đồng/ha; trợ giá giống cá mới và bò lai Sind. Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo cấy lúa theo phương pháp SRI; 3 giảm, 3 tăng; chăn nuôi theo hướng thâm canh và an toàn sinh học… Huyện còn thành lập ban chỉ đạo để phối hợp với ban điều hành ở thôn, xã giải quyết những khó khăn nông dân gặp phải trong quá trình sản xuất.
 
Với các biện pháp đó, đến nay chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Yên Dũng đã gặt hái được nhiều thành công. Trên địa bàn huyện đã hình thành vùng lúa thơm chất lượng cao với quy mô 2.500 ha/năm, tập trung nhiều ở Tư Mại, Đức Giang, Nham Sơn, Tiến Dũng… với các giống  Hương thơm số 1, Bắc thơm, LT2, N46… Đây là những giống lúa cho gạo ngon, năng suất bình quân đạt 200-220 kg/sào, tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt, lúa thơm được huyện bổ sung vào công thức luân canh 3 vụ/năm để xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao. Hiện toàn huyện có 40 cánh đồng cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm. Xã Tư Mại là điển hình của huyện về sản xuất lúa thơm. Bình quân, mỗi vụ nông dân trong xã gieo cấy hơn 200 ha lúa thơm (chiếm hơn 50% diện tích cấy lúa). Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, xã quy hoạch thành vùng sản xuất, với quy mô từ 15-50ha/cánh đồng để thuận lợi cho việc áp dụng kỹ thuật sản xuất, phòng, trừ sâu bệnh… Ông Lưu Hồng Đán ở thôn Tư Mại cho biết: “Ba năm gần đây, mỗi vụ gia đình tôi cấy 6 sào lúa bằng giống Hương thơm số 1, năng suất đạt 220kg/sào, cho thu nhập cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa thông thường”.
 
Ở lĩnh vực thuỷ sản, huyện có gần 800 ha ruộng trũng cấy lúa không ăn chắc được chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản, nâng tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản lên hơn 1.100 ha. Nông dân ở một số xã như: Lão Hộ, Hương Gián, Đồng Phúc, Tư Mại... hình thành được các vùng nuôi cá chuyên canh chất lượng cao như: Chim trắng, rô phi đơn tính theo phương pháp thâm canh và bán thâm canh. Trong điều kiện nuôi thâm canh, sản lượng bình quân đạt 10-15 tấn/ha, cao gấp đôi so với cá giống cũ. Thông qua các mô hình hỗ trợ của huyện, nông dân các xã Đức Giang, Quỳnh Sơn, Tân Liễu mạnh dạn nuôi tôm càng xanh, ba ba, cá sấu… mang lại thu nhập 120-210 triệu đồng/ha/năm. Đây là mô hình mới góp phần bổ sung vào cơ cấu các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao của địa phương. Năm 2009, sản lượng thuỷ sản toàn huyện đạt hơn 3.500 tấn, tăng gần 500 tấn so với năm 2005, trị giá hơn 6 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thuỷ sản toàn huyện ước đạt gần 2.500 tấn, cho thu nhập hơn 5 tỷ đồng. Cùng với thủy sản, khai thác tiềm năng đất đai, sức lao động, huyện tập trung phát triển đàn bò lai Sind. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, năm 2010, tổng đàn bò lai Sind toàn huyện ước đạt hơn 67%, đứng thứ hai toàn tỉnh. Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá đã thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế trang trại hình thành. Toàn huyện hiện có hơn 60 trang trại tổng hợp cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Điển hình như mô hình trang trại nuôi cá kết hợp cấy lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn, thôn An Thái, xã Yên Lư. Năm 2002, gia đình anh nhận thầu 3 ha ruộng trũng cấy lúa một vụ bấp bênh để xây dựng trang trại nuôi cá kết hợp cấy lúa. Vụ thu hoạch đầu tiên gia đình anh thu được 30 tấn cá và 4 tấn thóc trị giá gần 100 triệu đồng. Có vốn, anh tiếp tục xây dựng thêm chuồng trại nuôi lợn để tận dụng nguồn chất thải làm thức ăn cho cá. Cứ như vậy, từ  mô hình trang trại này, vài năm gần đây, gia đình anh có doanh thu hơn 150 triệu đồng/năm.
 
Theo ông Trần Đức Hiển, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, để chương trình này đạt hiệu quả cao, hiện nay UBND huyện tiếp tục tập trung giải quyết tốt vấn đề thuỷ lợi cho lúa và thủy sản. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tiếp tục  trợ giá giống cây trồng, vật nuôi mới và liên kết với một số doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân./.