Theo đà phát triển của kinh tế, nhu cầu tiêu dùng các giá trị vật chất của con người ngày càng được nâng lên. Do đó nền sản xuất nông nghiệp dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong nền sản xuất ấy các sản phẩm nông nghiệp muốn tồn tại, tiêu thụ được trên thị trường đòi hỏi những người nông dân thời hội nhập phải nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng, quan tâm tới chất lượng sản phẩm làm ra, sáng tạo trong định hướng phát triển bền vững. Chính vì lẽ đó, trong những năm trở lại đây có ngày càng nhiều hơn những người nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Sinh năm 1983, là người dân tộc Tày, anh Hoàng Văn Hướng, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam là một người như thế. Tốt nghiệp lớp 12 năm năm 2001, với mong muốn học cái chữ nhiều hơn nữa nên anh quyết tâm ôn thi vào trường Cao Đẳng Nông Lâm Việt Yên và rồi những cố gắng của anh cũng được đền đáp. Nhận giấy báo nhập học anh rất vui nhưng cùng đó anh nhận thức được trách nhiệm lớn lao của bản thân với cuộc sống.
Sau 3 năm theo học anh tốt nghiệp ra trường. Không giống nhiều người tìm con đường lập nghiệp bằng việc xin vào làm trong các cơ quan nhà nước, anh Hướng chọn cách về quê để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình với vốn kiến thức đã tích lũy được trong nhà trường.
Trở về quê, nhận 4 sào ruộng từ gia đình anh chưa nghĩ ra phải bắt đầu như thế nào ngoài việc cấy lúa và trồng hoa màu. Nhưng rồi với bản lĩnh của một người được ăn học anh nhanh chóng nhập cuộc và có định hướng riêng cho mình. Không như cách làm của nhiều hộ dân ở Lục Nam đó là, chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa sang trồng cây vải thiều, anh Hướng lại chọn cây na dai trong hướng phát triển kinh tế chính của gia đình mình. Anh quyết định chuyển 4 sào ruộng khoán cấy lúa không ăn chắc của gia đình, cộng với việc thầu thêm 4 mẫu đất của thôn để trồng na dai, bên cạnh đó anh dành một phần diện tích cho đào ao, đắp bờ thả cá và nuôi thêm ngan pháp để tăng nguồn thu nhập.
Sau 3 năm triển khai thực hiện, nhờ có những đầu tư đúng hướng, cộng với vốn kiến thức, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi có được từ trường nên cây na dai anh trồng sinh trưởng và phát triển tốt; ít bị các loại sâu bệnh thường gặp trên cây na như bệnh sáp sên, bọ nhảy, muội đen, sâu đục quả, ròi quả, bệnh vàng lá... phá hoại; tỷ lệ đậu quả cao; quả na dai có mẫu mã đẹp; chất lượng thơm ngon, nên bán rất được giá. Ngoài sự thành công bước đầu với cây na, ngan pháp anh nuôi cũng ít khi bị bệnh dịch do anh rất quan tâm tới khâu vệ sinh thú y trong quá trình chăn nuôi như: Vệ sinh thức ăn, nước uống; định kỳ anh đều phun thuốc sát trùng chuồng nuôi, khu vực xung quanh chuồng nuôi và thường xuyên quét dọn khu vực chăn nuôi sạch sẽ. Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật trong chăn nuôi các loại gia cầm nên số lượng ngan pháp không ngừng tăng, nếu ban đầu chỉ có vài con thì tới nay đã tăng lên 100 con/đàn.
Anh Hướng cho biết: Ngan pháp được anh chọn nuôi là ngan đực, nuôi được khoảng 4-5kg thì xuất bán với giá 45.000 đồng/kg. Trung bình cứ 100 con ngan pháp sẽ cho thu lãi khoảng hơn 17 triệu đồng. Đối với na dai, do được trồng trên chất đất phù hợp nên na có năng suất khá cao, chất lượng quả tốt, được thị trường rất ưa chuộng. Tới mỗi vụ thu hoạch na, thương lái về tận vườn thu mua mà không phải mang đi tiêu thụ. Mỗi ngày có trung bình khoảng 10 ô tô tới khu vực ngã ba thôn Suối Ván cân na và bà con chỉ việc gánh na tới đó. Hiện tại, gia đình anh Hướng chỉ có 4 sào na dai cho thu hoạch nhưng giá trị kinh tế rất cao và cây na là nguồn thu nhập chính của gia đình. Trừ chi phí từ nuôi ngan và trồng na mỗi năm anh Hướng thu lãi hơn 60 triệu đồng.
Cũng theo anh Hướng: Hiện tại mức thu nhập của gia đình mới chỉ dừng lại ở con số 60 triệu đồng/năm nhưng với kỹ thuật đã có trong trồng trọt, chăn nuôi và trong vài năm nữa khi toàn bộ diện tích na cho thu hoạch thì mức thu 80-90 triệu đồng/năm là có thể đạt được.
Thấy mô hình trồng na dai của anh Hướng mang lại thu nhập cao nên nhiều bà con trong thôn đã tới học hỏi và anh đã không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật mà mình có được cho mọi người, cùng giúp đỡ họ trong phát triển kinh tế gia đình.
Là một người thanh niên luôn xác định rõ trách nhiệm của bản thân mình với gia đình, cộng đồng; dám nghĩ, dám làm; khao khát được đem tri thức khoa học để làm giàu cho quê hương, những việc làm của anh đang thể hiện bước đi đúng đắn. Và tấm gương như anh Hướng rất đáng để thế hệ trẻ chúng ta học tập, phát huy. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những con người như thế./.
Nguyễn Hoàng Lan
Tin liên quan: