Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã biết phát huy diện tích hồ đập tập trung vào nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình nuôi cá của gia đình ông Vũ Xuân Hoán ở thôn Phúc Thành được coi là một điển hình. Từ 3 ha mặt nước hồ đập chăn nuôi cá các loại, mỗi năm gia đình ông Hoán thu lãi cả trăm triệu đồng.
Sau những trăn trở về bài toán phát triển kinh tế gia đình, năm 2005, ông Vũ Xuân Hoán đã quyết định nhận đấu thầu 3 ha hồ đập của Hội Cựu Chiến binh xã Quý Sơn để tập trung chăn nuôi cá. Ban đầu, gia đình ông thả 40.000 con cá giống với đủ các loại: trôi, trắm, mè, chép, rô phi đơn tính… Do năm đầu tiên mới bước vào nuôi cá, nguồn vốn của gia đình còn hạn hẹp nên không có đủ kinh phí mua thức ăn cho cá và bản thân ông lại chưa có nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, bởi vậy cá trong hồ bị bệnh chết nhiều, gây thất thoát lớn. Gia đình ông thu hoạch chỉ đạt 2 tấn cá thương phẩm, trị giá khoảng 50 triệu đồng. Những năm sau, nhờ sự trải nghiệm thực tế chăn nuôi để đúc rút kinh nghiệm và chịu khó học tập khoa học kỹ thuật áp dụng vào công tác chăn nuôi phòng bệnh cho đàn cá nên gia đình ông chăn nuôi hiệu quả hơn. Đặc biệt đầu năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư tỉnh, đầu năm 2011, gia đình ông Hoán đã mạnh dạn đưa giống cá rô đồng về chăn nuôi. Đây là loại cá có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật và thời gian chăn nuôi chỉ mất khoảng 6 tháng đã được thu khai thác. Tâm sự với chúng tôi, ông Hoán cho biết: việc chăn nuôi cá rô đồng rất hiệu quả, ít tốn kém mà thị trường tiêu thụ lại thuận lợi nên sang năm gia đình tôi sẽ tập trung chăn nuôi nhiều hơn về giống cá này.
Ngoài cá rô đồng, cá trôi, trắm… hiện gia đình ông Hoán còn đầu tư nuôi thêm cá Năng. Đây là loại cá có trọng lượng lớn, thịt thơm ngon nên bán được giá cao. Mỗi con cá Năng trưởng thành được khai thác nặng từ 2 kg trở lên, ông Hoán bán với giá 300 nghìn đồng/kg, chỉ tính riêng nguồn lợi thu từ loại cá này cũng đạt gần 20 triệu đồng/năm. Theo tính toán của ông Hoán, hiện trong hồ đập của gia đình ông có trên 10 tấn cá thương phẩm các loại, trị giá trên 300 triệu đồng. Trừ mọi chi phí về công chăm sóc và thức ăn chăn nuôi, năm nay, gia đình ông Hoán sẽ thu lãi 150 triệu đồng từ nuôi cá.
Như vậy, nhờ có sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của cán bộ Trạm khuyến nông huyện Lục Ngạn nên gia đình ông Hoán đã áp dụng tốt kiến thức khoa học vào chăn nuôi, phòng bệnh cho các loại cá hiệu quả. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám và cỏ voi không tốn kém lắm. Việc tiêu thụ cá thương phẩm rất thuận lợi, thường các tư thương đến tận nơi đặt mua hoặc khi thu hoạch lớn gia đình ông chỉ đem đến các chợ trong huyện bán cũng tiêu thụ hết.
Từ thực tế hiệu quả chăn nuôi cá của gia đình ông Hoán cho thấy, nếu người dân thực sự quan tâm học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản như: làm tốt công tác chọn giống cá có năng suất chất lượng cao; thực hiện tốt công tác phòng bệnh cho cá thì mô hình sẽ thực sự phát huy hiệu quả kinh tế cao. Bởi hiện nay, diện tích mặt nước hồ đập và ao hồ trong huyện Lục Ngạn còn rất lớn mà nhân dân vẫn chưa khai thác hết tiềm năng để phát triển kinh tế gia đình.
Theo Khyến nông Quốc Gia
Tin liên quan: