Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vượt qua nhiều gian nan, vất vả, đến nay, anh Phùng Thế Là, sinh năm 1964 ở thôn Khuyên, xã Huyền Sơn (Lục Nam) đã gây dựng được một cơ ngơi bề thế, trở thành "đầu mối" thu mua nông sản "có tiếng" trên địa bàn tỉnh. Trò chuyện với phóng viên Báo Bắc Giang, thương nhân Phùng Thế Là chia sẻ góc nhìn mới và cả những trăn trở xung quanh công việc của mình.
 
Căn nhà của gia đình anh không "cận thị", chẳng "cận giang", "cận lộ", thế mà nơi đây tấp nập như cái chợ thu nhỏ. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên?
 
Thực tế có những loại hình kinh doanh nhất định phải có đất mặt đường, có cửa hàng, cửa hiệu hoành tráng. Nhưng với nghề buôn bán nông sản không cần thiết phải như vậy. Tôi làm công việc này đã hơn hai mươi năm liên tục và đặt điểm thu mua tại nhà, thỉnh thoảng mới thuê người thu mua ở các huyện khác. Bà con trong xã Huyền Sơn và một số xã lân cận thường tranh thủ mang hàng đến bán lúc sáng sớm, buổi trưa, thậm chí có khi là 9-10 giờ tối. Họ đến đây không phải đợi chờ lâu, không phải chen lấn chật chội, quãng đường đi cũng gần hơn so với việc di chuyển đến một số thị trấn, thị tứ trong huyện. Trong kinh doanh, dù luôn hướng đến mục tiêu lợi nhuận song tôi cũng biết rằng phải làm thật thì mới bền, khi mua hàng, tôi cân đong cẩn thận, trả giá hợp lý. Có lẽ nhờ đó mà "hút" khách.
Sau nhiều năm bôn ba thương trường, anh có nhớ mình đã khởi nghiệp như thế nào không?   
 
Các con tôi bây giờ ở tuổi 16, 17 chỉ có nhiệm vụ là học thật tốt và giúp bố mẹ việc vặt trong nhà. Nhưng khi ở tuổi ấy, tôi đã phải tự lập, lo liệu rất nhiều việc. Cả gia đình sống trong mấy gian nhà trát vách chật trội, ăn bữa nay, lo bữa mai. Đồng ruộng ở Huyền Sơn khi ấy điều kiện tưới tiêu chưa tốt như bây giờ nên vụ được, vụ mất, hầu như năm nào nhà tôi cũng phải "chạy" ăn vài tháng. Là anh cả của một đàn em sàn sàn "trứng gà, trứng vịt", tôi thấy mình phải có trách nhiệm gánh vác công việc cùng cha mẹ. Học hết cấp hai, tôi nghỉ. Vừa làm ruộng, vừa chăn vịt, nuôi gà rồi mò cua, bắt cá, vất vả vô cùng nhưng vẫn thấy cuộc sống bí bách. Vậy là nghĩ đến việc đi buôn, ban đầu chỉ buôn mấy thứ hàng lặt vặt, mua ở quê và bán ngay ở quê. Vào năm 1988, ở Huyền Sơn đã có một số hộ trồng được những vườn na dai rất đẹp. Mùa na chín, tôi nghe có người nói ở Hà Nội giá na rất đắt. Không có vốn, tôi vay tiền mua hai sọt na ngon mang ra Hà Nội bán. Chưa biết đường đi lối lại nhưng vẫn liều. Không ngờ, chuyến đầu tiên đã có lãi kha khá. Vậy là suốt cả mùa thu hoạch na năm ấy, tôi đi hàng chục chuyến ra Hà Nội. Một mình dậy từ hai, ba giờ sáng mải miết đạp xe chở na đi bán, buổi chiều quay về, có hôm xe hỏng, nửa đêm mới về đến nhà. Nghĩ lại cũng thấy lạ là không biết mình lấy đâu ra sức lực mà kiên trì như thế. 
 
Việc chuyên chở hàng hoá lúc đó vất vả như vậy, thế mà anh vẫn quyết chí làm ăn lớn? 
 
Hơn hai mươi năm trước, ô tô, xe máy là của hiếm. Có xe đạp chở hàng đi bán là tốt lắm rồi. Đường sá lúc ấy còn kém, rất nhiều ổ gà, ổ voi, tôi đèo những sọt na to phía sau lúc nào cũng thấy người chòng chành, sợ nhất là những lúc đi ngược gió. Nhưng dù tốn nhiều mồ hôi, công sức, tôi vẫn vui vì sau mỗi chuyến hàng như thế, gia đình vơi bớt nỗi lo đói ăn, thiếu mặc. Thấy quê mình mùa nào thức ấy có rất nhiều loại hoa quả ngon, thế nhưng vào vụ thu hoạch, rất ít khách hàng đến mua, bà con thường bán ngay ở chợ làng, giá thấp và tiêu thụ không được bao nhiêu, trong khi tại Hưng Yên, Hải Dương, tôi đã gặp một số người thu mua nông sản khối lượng lớn đưa đi bán ở nhiều nơi trong nước. Mong muốn làm được như họ, tôi đi đây đó tìm hiểu thị trường, quyết chí theo nghề buôn bán nông sản, vừa làm giàu cho gia đình mình, vừa giúp ích cho nhiều nông dân khác. Có nhiều người nghĩ đi buôn là phải có vốn lớn, tôi thì khác. Trước năm 1990, tôi có số vốn không đáng là bao song luôn tâm niệm mình cứ làm dần, tính toán căn cơ rồi sẽ khá lên, các cụ ta đã từng dạy "mèo bé bắt chuột con" mà.
 
Lúc khởi nghiệp anh đi buôn na, loại hoa quả đặc sản của vùng "sông Lục, núi Huyền", thế nhưng theo tôi biết anh còn là một "đầu mối" tiêu thụ vải thiều "có tiếng" trên địa bàn tỉnh?     
 
Ba mươi năm trước, ở vùng Lục Ngạn, Lục Nam có rất ít vải thiều. Đến năm 1990-1991, diện tích vải bắt đầu tăng và vải thiều tươi rất "có giá" trên thị trường. Trong thời gian đợi đến mùa na chín, tôi cùng với mấy người quen ở Yên Dũng rủ nhau đi buôn vải thiều. Đó là năm 1991. Hồi ấy không phải mua vải tươi theo giá chợ như bây giờ mà từ lúc cây vải đậu quả đã đi mua rồi, người ta thường gọi là mua "lúa non". Đặt tiền, ngã giá xong cứ lo nơm nớp, nếu gặp thiên tai địch hoạ, vải thiều mất mùa là mình trắng tay. Nhưng rất may điều đó không xảy ra. Thời ấy, thuê xe ô tô rất khó, nhóm chúng tôi 3-4 người tìm mỏi mắt mới thuê chung được một xe ô tô mang vải tươi lên Lạng Sơn bán, mấy ngày đi một chuyến. Đi mãi thành quen, tôi có thêm nhiều đầu mối bán hàng ở bên kia biên giới. Cứ đến vụ thu hoạch vải là mang hàng lên. Dần dà, thấy người ta sấy vải có lãi, tôi cũng làm theo. Ngoài lượng vải do gia đình tự sấy, tôi còn thu mua vải khô tại nhiều hộ khác ở Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế để xuất khẩu trong khoảng thời gian từ tháng 7, tháng 8 đến tháng 12 hằng năm. Trong vòng chục năm trở lại đây, mỗi năm tôi tiêu thụ vài trăm tấn vải thiều các loại. Vốn lưu động để thu mua vải dao động từ 400- 500 triệu đồng cho tới hơn 1 tỷ đồng/vụ. Khi vốn liếng "dày" hơn, tôi mở rộng phạm vi kinh doanh. Hai năm qua, tôi đầu tư một phần vốn để khai thác, thu mua một số lâm sản phụ trên địa bàn huyện, tạo việc làm thường xuyên cho 9-10 lao động.
 
Theo anh, hoạt động tiêu thụ nông sản hiện nay có dễ dàng hơn trước?
 
So với mươi năm trước thì việc vận chuyển hàng hoá đi tiêu thụ có dễ dàng hơn. Đường sá, cầu, cống ở nhiều nơi được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo. Nhiều thương nhân đến vùng sâu, vùng xa thu mua nông sản cho bà con. Các loại cây, con đặc sản rất dễ được nhiều người biết đến nhờ sự quảng bá của phương tiện thông tin đại chúng. Cùng đó, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho hoạt động tiêu thụ nông sản đang dần hình thành. Có một số người phàn nàn tiếp cận vốn tín dụng để kinh doanh nông sản khó khăn nhưng bản thân tôi thấy không hẳn như vậy. Bằng chứng là những năm gần đây, mỗi khi cần vốn lưu động, tôi đề xuất với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT - Chi nhánh huyện Lục Nam là được đáp ứng. Quan trọng là mình phải có nhu cầu vốn kinh doanh thật sự, không "vẽ" dự án để vay vốn rồi làm những việc khác, sau khi vay luôn giữ chữ tín với ngân hàng, có trách nhiệm với đồng vốn đã vay.
 
Dù có những thuận lợi đó nhưng hoạt động tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều bất cập, bởi lẽ đó mà không có nhiều thương nhân giống như anh, dám "dấn thân" với công việc này hàng chục năm liền.
 
 Đúng là không chỉ ở tỉnh ta mà nhiều nơi khác, có thời điểm việc tiêu thụ nông sản rất chật vật. Ví dụ như mặt hàng hoa quả chẳng hạn. Ai cũng biết, hoa quả chỉ ra theo mùa, cứ vào thời điểm thu hoạch rộ là giá giảm. Nếu sản lượng vừa phải thì tiêu thụ dễ dàng, sản lượng tăng cao thì không chỉ nông dân bị "ép giá" mà cánh thương nhân chúng tôi cũng vã mồ hôi vì chạy theo biến động của thị trường. Bởi vậy, trồng cây gì, ở vùng nào, quy mô bao nhiêu là vừa phải thì các nhà quản lý phải tính toán kỹ. Để nông dân không "phá rào" quy hoạch, chỉ khuyến cáo "miệng" thôi chưa đủ mà cần giải quyết thấu đáo những vấn đề cụ thể như: bà con chuyển đổi cây trồng thì được hỗ trợ như thế nào, trồng cây theo đúng định hướng quy hoạch thì ai sẽ bao tiêu, nếu giá nông sản rẻ có phương án thu mua tạm trữ hay không… Một điểm khác đáng lưu tâm là mặt hàng hoa quả thường cho thu hoạch trong thời gian ngắn nên khâu bảo quản, chế biến có vai trò cực kỳ quan trọng. Vậy nhưng khâu này vẫn đang bị bỏ lửng, chưa giành được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Tôi sử dụng lò sấy thủ công đã mười mấy năm, luôn muốn thay đổi bằng một loại lò khác hiện đại hơn, bớt ô nhiễm, tốn ít nhiên liệu hơn nhưng đến bây giờ vẫn chưa tìm được công nghệ mới phù hợp. Trong khi buôn bán với một số bạn hàng nước ngoài, tôi đã tận mắt thấy họ mua vải thiều khô của mình về sàng lọc, phân loại, đóng trong bao bì đẹp, có dán nhãn với mã số, mã vạch, chờ thời điểm thích hợp mới xuất khẩu sang nước thứ ba. Lúc đó, giá trị một kg vải thiều của Lục Ngạn, Lục Nam đã tăng lên hàng chục lần so với thời điểm nông dân mình bán ra. Họ làm được như vậy là vì có hệ thống kho lạnh, chi phí thuê bảo quản trong kho rất thấp. Bởi vậy, để nâng cao giá trị nông sản nói chung và mặt hàng hoa quả nói riêng, tỉnh ta rất cần có hệ thống các lò sấy tiên tiến thay thế lò thủ công cùng với mạng lưới kho lạnh hiện đại, không chỉ sử dụng bảo quản vải thiều mà còn dùng cho nhãn và nhiều loại hoa quả khác. Khi chính quyền các cấp quan tâm xây dựng một cơ chế hỗ trợ rõ ràng, khả thi sẽ khuyến khích được nhiều thương nhân, doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, bảo quản, chế biến nông sản, lúc ấy nông dân mới có thể yên tâm xây dựng các vùng sản xuất cây trồng hàng hoá theo quy hoạch. 
 
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
BGO