Anh Ngô Văn Hướng là một chi hội trưởng chi hội nông dân thôn Cảm, xã Phúc Sơn (Tân Yên). Anh Hướng là một cán bộ chi hội sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương.
 
Ông chủ tịch nông dân xã khác nói: “Mô hình sản xuất của gia đình anh Hướng chưa thể so với nhiều mô hình ở các nơi khác, nhưng đối với địa phương thì mô hình này khá tiêu biểu, đáng biểu dương”. Trong những năm qua, gia đính anh Hướng phát triển kinh tế đạt hiệu quả khá cao từ mô hình sản xuất cá giống kết hợp với trồng rau cần và chăn nuôi lợn thịt. Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình anh rất khó khăn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vẫn không đủ trang trải sinh hoạt thiết yếu trong gia đình. Chính vì vậy, anh luôn chăn trở, suy nghĩ trồng cây gì và nuôi con gì cho phù hợp với điều kiện gia đình, với địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau nhiều chuyến đi thăm quan mô hình nuôi cá ở một số nơi trong và ngoài huyện do hội nông dân xã tổ chức, năm 2004 anh Hướng quyết định nhận thầu khu ruộng trũng cạnh con kênh 4 thuộc Công ty Thủy nông Sông Cầu và mạnh dạn đầu tư thuê máy ủi đào 6 sào ao, xây bờ gạch xung quanh tổng chi phí hết 60 triệu đồng để sản xuất cá giống.
 
Đưa chúng tôi ra thăm ao nuôi cá, anh Hướng vui vẻ tâm sự: “Trước đây chỗ này là khu ruộng trũng, mỗi năm cấy 2 vụ lúa không ăn chắc. Nhiều khi mưa to, nước ngập trắng đồng. Năm đầu sản xuất cá giống do chưa có kinh nghiệm nên bị thất thoát nhiều lắm...” Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm làm cá giống, anh Hướng cho biết: Trước khi làm cá giống phải làm vệ sinh ao sạch sẽ, khử trùng bằng vôi bột, khối lượng từ 20-30 kg/sào, cộng với 20 kg phân lân. Phơi ao từ 5-7 ngày thì lấy nước vào. Anh giải thích thêm, phải cho nước vào ao dần dần, mức nước sâu từ 40-50cm thì dừng lại, sau 7-10 ngày mới lấy thêm nước vào để cho cá bột thích nghi dần với môi trường nước mới. Thức ăn chủ yếu của cá là cám gạo, khi trái vụ cho ăn thêm trứng gà, vịt, sau 20 ngày thì xuất bán cá hương. Qua tìm hiểu được biết, mỗi năm anh xuất bán 4 lứa cá giống cấp 1 gồm các loại: Trắm, chép, trôi, mè, chủ yếu vẫn là cá chim trắng và rô phi đơn tính. Từ nuôi cá giống mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 50-60 triệu đồng. Ngoài nuôi cá, mỗi năm anh nuôi hàng trăm con lợn thịt để cung cấp nguồn thức ăn cho cá. Mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn lợn thịt thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý mô hình sản xuất cá giống của gia đình anh còn áp dụng công thức: Cá giống + rau cần đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Anh đã sử dụng 3 sào ruộng trũng khác cạnh ao vừa sản xuất cá giống vừa cấy rau cần. Mùa rau cần từ tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Mỗi sào thu được 3 lứa rau cần, mỗi lứa thu được 3 triệu đồng.
 
Như vậy, mỗi vụ rau cần với 3 sào ruộng trũng này, thu nhập tới 27 triệu đồng. Kết thúc vụ rau cần, anh lại sử dụng 3 sào ruộng này để làm cá giống. Xung quanh ruộng được xây bờ kiên cố, mức nước thường xuyên ở độ sâu từ 80-90cm, để đảm bảo sản xuất cá giống.
 
Từ mô hình sản xuất này, mỗi năm gia đình anh Ngô Văn Hướng đạt tổng doanh thu gần 200 triệu đồng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Hướng còn là cán bộ chi hội thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ hàng chục hộ hội viên trong chi hội cùng phát triển kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
 
Đức Vượng