Với thu nhập hàng trăm, thậm chí cả tỷ đồng mỗi năm, các mô hình trồng rừng gỗ lớn đã khẳng định lợi ích, hiệu quả kinh tế vượt trội.
Nhiều tỷ phú rừng
Tiếp chuyện chúng tôi, ông Bế Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Sản (Sơn Động) cho biết, là xã vùng sâu, vùng xa, vì vậy nhiều năm nay các hộ dân trong xã đều có ý thức vươn lên, đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, xóa đói, giảm nghèo.
Toàn xã có 517 hộ dân với 1.037ha rừng trồng, những năm gần đây, được Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều gia đình chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ đó, nhiều gia đình trở thành tỷ phú với thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Hộ anh Hoàng Văn Đồng, thôn Sản 2 là một điển hình. Năm 1995, gia đình anh nhận khoán gần 30ha đất đồi núi trọc, một số diện tích có rừng nhưng chủ yếu là cây bụi mọc hoang dại, không có giá trị kinh tế. Thời điểm đó, nhiều người đi "vén” rừng làm nương rẫy lo chống đói, anh lại làm ngược là trồng cây gây rừng.
Không những vậy, thấy nhiều hộ trồng rừng kém hiệu quả, bỏ trống đất, anh Đồng vận động gia đình bán hết trâu, bò, vay vốn ngân hàng mua đất, cải tạo lại rừng trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Đến nay, với 90ha rừng trồng chia thành nhiều chu kỳ, những diện tích cây phát triển tốt, anh cho tỉa thưa, kéo dài thời gian sinh trưởng thành rừng gỗ lớn.
Ngoài ra, nhiều năm gần đây gia đình anh còn thực hiện biện pháp lấy ngắn nuôi dài khi khai thác các diện tích cây trồng theo chu kỳ ngắn để chăm sóc diện tích cây gỗ lớn như xoan, thông, hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao. Riêng diện tích trồng keo, mỗi năm gia đình anh khai thác hơn 10 ha, trừ chi phí, thu lãi hơn 500 triệu đồng. Sẵn có ô tô tải, anh làm dịch vụ vận chuyển, thu mua gỗ cho các hộ trong vùng, khai thác nhựa thông... tổng thu nhập đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Hộ ông Hoàng Văn Chung, thôn Sản 3 (xã Hữu Sản) cũng có cách làm tương tự. Sau khi nhận khoán, chuyển nhượng hơn 100ha đất rừng, ông chia thành nhiều chu kỳ, đồng thời kéo dài thời gian chăm sóc cây lên 8-10 năm. Những năm gần đây, năm nào ông cũng khai thác hơn 20ha, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, với 15ha rừng thông gần 20 năm tuổi đang kỳ khai thác nhựa, ông có thu nhập hơn 120 triệu đồng/tháng.
Không chỉ thoát nghèo, gia đình ông còn xây biệt thự tiền tỷ khang trang, mua ô tô và nhiều tiện nghi đắt tiền. "Trước đây, do chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác, thiếu vốn sản xuất, gia đình tôi bán rừng non nên hiệu quả kinh tế không cao. Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, tôi thấy phát triển rừng gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định hơn" - ông Chung chia sẻ.
Năm 2005, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế và 4 hộ dân ở thôn Xoan, xã Xuân Lương (Yên Thế) được UBND huyện cho phép chuyển đổi, khai thác hơn 50 ha rừng trồng thuộc dự án 327. Tuy nhiên, do khi đó cây rừng còn nhỏ, sản lượng chưa cao, các hộ và doanh nghiệp quyết tâm giữ lại chăm sóc thành rừng gỗ lớn.
Đầu năm 2014, sau gần 20 năm chăm sóc, các hộ được Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế hướng dẫn thiết kế, hoàn thiện thủ tục khai thác cho hiệu quả gấp 3-4 lần các hộ có cùng diện tích nhưng trồng rừng chu kỳ ngắn. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Duy Vinh, có 3ha rừng keo trồng từ năm 1995, khi khai thác không chỉ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, ông còn dùng gỗ làm nhà và nhiều đồ dùng phục vụ cuộc sống gia đình. Hay như hộ ông Nguyễn Văn Điều ở cùng thôn vừa khai thác 10 ha rừng, sản lượng gỗ đạt 1,5 nghìn m3, trị giá hơn 2,5 tỷ đồng...
Cần chính sách phù hợp
Từ năm 2009 đến nay, khi thực hiện các dự án hỗ trợ trồng rừng kinh tế, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát triển rừng gỗ lớn, phấn đấu hằng năm tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn đạt 30% tổng diện tích trồng rừng mới. Đến nay, số diện tích các hộ đăng ký đạt hơn 300ha.
Tại các địa phương khác như Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam… cũng đặt mục tiêu phát triển 20 - 30% tổng diện tích rừng trồng là rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, do chính sách hỗ trợ các hộ mới chỉ dừng lại ở việc cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật nên chưa có cơ chế ràng buộc người dân giữ rừng đủ thời gian phát triển thành rừng gỗ lớn.
Trong đó, hầu hết diện tích thực hiện đều ở các xã đặc biệt khó khăn, không có điều kiện kinh tế, ít đất sản xuất nên người dân chủ yếu có nhu cầu thâm canh, tăng vụ, rút ngắn tối đa thời gian canh tác để trang trải cuộc sống, khó giữ ổn định diện tích đã trồng.
Chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã đề ra chỉ tiêu giai đoạn từ 2011-2015 toàn tỉnh đạt 20% tổng diện tích rừng trồng là rừng gỗ lớn (tương đương 4 nghìn ha). Các hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn được hỗ trợ 4,5 triệu/ha. Đến hết tháng 5-2014, toàn tỉnh đã trồng được 3.750ha (đạt 92% kế hoạch), chiếm 18,2% tổng diện tích rừng trồng của tỉnh.
Ông Trương Đức Đáng, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: "Chúng tôi đang xây dựng mô hình điểm tại huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế, từ đó có đánh giá và trình UBND tỉnh quy hoạch vùng phát triển rừng gỗ lớn, đồng thời có phương án hỗ trợ thiết thực cho các hộ tham gia trồng, phát triển rừng".
Từ thực tế triển khai cho thấy, chỉ những hộ kinh tế khá giả, diện tích rộng mới có điều kiện trồng rừng gỗ lớn. Bởi với chu kỳ sản xuất từ 12-15 năm, thậm chí lên đến 20 năm, những hộ nghèo, chỉ có vài ba ha đất khó có thể đáp ứng. Để chương trình trồng rừng gỗ lớn đạt hiệu quả cao, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp nhiều hộ dân có điều kiện tham gia phát triển, nâng cao giá trị rừng.
baobacgiang.com.vn
Tin liên quan: