Hiện nay trên địa bàn huyện đã thành lập được hàng chục mô hình Tổ liên kết chăn nuôi an toàn sinh học, đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Qua đó cũng thể hiện những nhận thức mới của người dân nơi đây trong xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. 
         Gia đình anh Nguyễn Huy Chữ, chị Ninh Thị Khanh là một trong 27 thành viên trong Tổ liên kết chăn nuôi của thôn Dĩnh Tiến, xã Bố Hạ. Do được tổ liên kết hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm, kĩ thuật chăn nuôi nên gia đình anh chị đã đầu tư mở rộng sang nhiều giống vật nuôi khác nhau. Ngoài giống gà đồi Yên Thế, anh chị còn nuôi thêm 150 đôi chim bồ câu Pháp, vài chuồng Thỏ, hơn chục con lợn phối giống...đã mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho gia đình. Đặc biệt từ khi tham gia Tổ liên kết chăn nuôi, gia đình anh Chữ, chị Khanh không chỉ có điều kiện mở rộng sản xuất mà còn tư vấn, hỗ trợ thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Việt- Gáp, đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, an toàn khi đưa ra thị trường. Anh Nguyễn Huy Chữ - thôn Dinh Tiến xã Bố Hạ cho biết: Từ khi gia đình anh được tham gia vào tổ chăn nuôi sản phẩm nông nghiệp sạch gia đình đã ký cam kết và chấp hành đúng các quy đinh mà tổ đã đề ra là chăn nuôi thì nguồn thức ăn phải sạch đảm bảo vệ sinh môi trường
        Bắt đầu quy trình chăn nuôi sản phẩm sạch chính là việc chọn được con giống tốt, có nguồn gốc. Để đảm bảo điều đó Tổ liên kết chăn nuôi đã vận động một số thành viên thực hiện việc cung cấp giống vật nuôi cho chính các thành viên trong tổ. Riêng với Tổ liên kết chăn nuôi của xã Bố Hạ có khoảng gần 50 con lợn cung cấp giống, và 01 lò ấp trứng đảm bảo giống vật nuôi cơ bản cho các thành viên trong tổ. Từ đó các hộ chăn nuôi tạo thành một quy trình liên kết khép kín, vừa liên kết cung cấp giống vật nuôi, vừa trao đổi kinh nghiệm, kĩ thuật chăn nuôi, thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm chăn nuôi. 
 
Chị Trần Thị Hà chủ tịch hội phụ nữ xã Bố Hạ cho biết: Hội phụ nữ xã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở hội quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà Nước. Phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để giúp cho các hội viên có thêm trình độ, nâng cao kiến thức nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra Hội phụ nữ xã cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội huyện để các hộ tiếp cận được các nguồn vố từ Ngân hàng chính sách xã hội đặc biệt là nguồn vốn vay hộ cận nghèo và hộ nghèo.
 
         Hiện nay toàn huyện có khoảng 23 Tổ liên kết chăn nuôi sản phẩm sạch. Thực tế đã cho thấy giá trị sản phẩm chăn nuôi của các tổ liên kết đều được nâng lên, giá cả ổn định, được người mua ưa chuộng. Quan trọng hơn là một tư duy mới đã và đang được hình thành trong ý thức của người chăn nuôi. Đó là người cung cấp sản phẩm chăn nuôi đã quan tâm tới việc đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, nhất là khi vấn đề về an toàn thực phẩm đang được nhiều người quan tâm như hiện nay./.