Sau hơn một năm thực hiện đề án “phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2013 - 2015”, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã hình thành nhiều vùng sản xuất nấm hàng hóa có hiệu quả cao, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động địa phương.
 
Ông Trần Văn Phan, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục thu hoạch mộc nhĩ
 
 Nhân rộng những mô hình hiệu quả
 
 Từng chăn nuôi một số con đặc sản nhưng lợi nhuận thấp, không ít lần còn lỗ vốn nên anh Nguyễn Ngọc Tú, thôn Chung, xã Tân Thanh luôn trăn trở trồng cây gì và nuôi con gì cho hiệu quả. Năm 2013, khi UBND huyện triển khai đề án phát triển sản xuất nấm, gia đình anh đăng ký tham gia và  được hỗ trợ một phần giá giống, kinh phí xây dựng lán trại, máy sấy, hướng dẫn kỹ thuật. Anh mạnh dạn làm 10 tấn nguyên liệu nấm mộc nhĩ và đầu tư máy thanh trùng nguyên liệu công suất 3 nghìn bịch/ngày. 
 
 Quy trình kỹ thuật luôn được anh tuân thủ nghiêm ngặt. Nhờ vậy, nấm sinh trưởng phát triển tốt, thu được 4 tạ nấm khô. Với giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg cho thương nhân đến tận nhà thu mua, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng. Anh Tú cho biết: "Thành công ngay ở lần đầu sản xuất nên vụ này tôi dành gần 300 triệu đồng xây thêm 12 lán làm 80 tấn nguyên liệu nấm mộc nhĩ và nấm sò. Hiện nay, tôi đang thuê nhân công vệ sinh nhà lán, tận dụng bịch nấm đã thu hoạch bón cho vải thiều và đảo, ủ bông, mùn cưa để vào vụ nấm mới”.
 
 Không chỉ hộ anh Tú, gia đình bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh cũng có thu nhập cao từ trồng nấm. Tận dụng diện tích vườn rộng, bà xây hơn 300 m2 lán trồng nấm, mỗi vụ đưa vào sản xuất khoảng 20 tấn nguyên liệu nấm sò, nấm mỡ. Nguồn thu từ nấm đạt gần 70 triệu đồng/năm. Làm nấm hơn 4 năm qua, bà Luyến cũng gặp không ít rủi ro như mua phải giống kém chất lượng, bị nhiễm bệnh nên không sinh trưởng được. Theo bà, để nấm cho năng suất cao thì quan trọng nhất là nguồn giống phải bảo đảm, tưới nước sạch cho nấm. Đặc biệt, các bịch nấm phải được khử trùng diệt mầm bệnh trước khi cấy giống.
 
  Ngoài sản xuất quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện còn có một số mô hình trang trại và gia trại trồng nấm, thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm cho hàng chục lao động khi vào vụ. Điển hình là hộ ông Đỗ Vinh Thúy, thôn 5, xã Nghĩa Hưng thuê gần 5.000 m2 đất xây dựng trang trại sản xuất nấm. Trên diện tích này, ông đã làm 6 nhà lán với diện tích gần 1.700 m2, sử dụng từ 200 đến 250 tấn nguyên liệu sản xuất nấm mỗi năm. Ở thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục có hộ ông Hoàng Viết Chương đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất bịch nấm cung ứng cho các hộ trong vùng...
 
 Xây dựng thương hiệu nấm Lạng Giang
 
  Xuất phát từ thực tế và để định hướng cho nghề nấm trên địa bàn phát triển bền vững, UBND huyện Lạng Giang xây dựng đề án "Phát triển sản xuất nấm giai đoạn 2013-2015”. Mục tiêu phấn đấu năm 2014 toàn huyện có 261 hộ sản xuất nấm với lượng nguyên liệu sử dụng 4 nghìn tấn; năm 2015 có 294 hộ sản xuất với lượng nguyên liệu là 5 nghìn tấn. 
 
 Tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng dành hỗ trợ một phần giá giống, vật tư cho nông dân các xã: Tiên Lục, Nghĩa Hưng, Tân Dĩnh, Phi Mô, Tân Thanh, Mỹ Hà. Đề án nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất nấm hàng hóa, tiến tới xây dựng thương hiệu nấm Lạng Giang.  Trong chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, Huyện ủy, UBND huyện cũng xác định nấm là sản phẩm chủ lực. 
 
 Ngay khi có đề án, UBND huyện mở hội nghị quán triệt, triển khai tới các xã trong vùng thực hiện, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở để tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Ở các xã đã thành lập ban chỉ đạo sản xuất nấm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, tích cực tuyên truyền về hiệu quả và các cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất nấm. UBND huyện cũng vừa thành lập Ban vận động thành lập Hội Sản xuất và tiêu thụ nấm Lạng Giang nhằm tuyên truyền, vận động các hội viên, thành viên tự nguyện tham gia.
 
 Sau một năm thực hiện đề án, toàn huyện đã có 267 hộ làm nấm đạt 122% so với kế hoạch đề ra. Trong đó 85 hộ có diện tích nhà lán từ 300m2 trở lên còn lại từ 100 đến 300m2; có 5 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất nấm tại xã Nghĩa Hưng, Tiên Lục, Tân Dĩnh. Các sản phẩm chủ yếu là: Nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ, nấm rơm với tổng sản lượng nấm gần 500 tấn. 
 
 Mặc dù có thời điểm xuất hiện một số thông tin về nấm không nguồn gốc, không an toàn lưu thông trên thị trường nhưng việc tiêu thụ nấm của Lạng Giang không bị ảnh hưởng. Sản phẩm làm ra đến đâu được thương nhân về tận nơi thu mua hết đến đó, lợi nhuận thu về khoảng 15 tỷ đồng. 
 
 Ông Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: "Sản xuất nấm đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ, cung cấp thực phẩm an toàn, hạn chế việc đốt rơm rạ, góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, Phòng khuyến cáo các hộ đưa một số loại nấm chất lượng cao như linh chi, kim châm, đùi gà... vào sản xuất đồng thời ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm”.
 
  Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lạng Giang vừa làm các thủ tục gửi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu tập thể nấm Lạng Giang.
 
 Trịnh Lan - Hoàng Phương