Quán triệt tinh thần của Nghị quyết 13 - NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, Tỉnh uỷ Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp ủy tạo điều kiện tăng cường hỗ trợ cho các hợp tác xã hoạt động thông qua việc tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã, doanh nghiệp; củng cố, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, phân công trách nhiệm các ngành chức năng quản lý kinh tế tập thể như: phòng địa chính quản lý hợp tác xã nông nghiệp; phòng kinh tế hạ tầng nông thôn quản lý hợp tác xã phi nông nghiệp... củng cố các hợp tác xã đã có, khuyến khích thành lập các hợp tác xã mới. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 563 HTX, trong đó 107 HTX chuyển đổi, 456 HTX thành lập mới với tổng số vốn đăng ký kinh doanh đạt gần 380 tỷ đồng, thu hút gần 8 nghìn xã viên tham gia và trên 86 nghìn hộ gia đình tham gia HTX. Quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nói chung và kinh tế hợp tác xã nói riêng đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, củng cố quan hệ kinh tế nông thôn.
Trong số các loại hình HTX này thì khối HTX dịch vụ nông nghiệp chiếm gần 50% tổng số các hợp tác xã trong tỉnh. Qua khảo sát cho thấy về cơ bản các HTX nông nghiệp thời gian qua đã tích cực vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, phát triển kinh tế trang trại, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Số các HTX phi nông nghiệp thì nguồn vốn của loại hình này đã được hình thành từ tài sản của cá nhân hợp tác với nhau tạo thành thế mạnh để hoạt động vì vậy bộ máy quản lý gọn nhẹ, Chủ nhiệm HTX chủ động giải quyết, xử lý thông tin trong quá trình sản xuất kinh doanh nên hoạt động kinh doanh hiệu quả… HTX Nông nghiệp Hương Sơn, huyện Lạng Giang được thành lập từ tháng 3-1998 với gần 3 nghìn xã viên, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: Bán lẻ điện nông thôn, dịch vụ thủy nông, cung ứng vật tư nông nghiệp… Tuy nhiên, thu nhập chính của HTX vẫn từ dịch vụ điện năng. Năm 2009, HTX được vay 7,5 tỷ đồng từ nguồn vốn của dự án cải tạo lưới điện nông thôn, đầu tư cải tạo và xây mới 75 km đường điện, lắp đặt thêm 10 TBA với tổng công suất hơn 1 nghìn KVA. Qua đó giảm tỷ lệ tổn thất điện năng từ 27% xuống còn 12%, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, bảo đảm giá bán điện đúng theo quy định của Chính phủ và có hóa đơn thanh toán đến từng khách hàng. Cùng với điện năng, thuỷ nông cũng là dịch vụ được HTX thực hiện có hiệu quả. Hiện HTX đang quản lý, khai thác và bảo vệ 15 hồ đập nhỏ, 10 trạm bơm cố định và 20 điểm bơm cục bộ phục vụ tưới tiêu cho hơn 1 nghìn ha đất nông nghiệp. Đáp ứng yêu cầu sản xuất 3 vụ/năm với năng suất lúa bình quân mỗi vụ đạt hơn 50 tạ/ha. Bên cạnh những dịch vụ truyền thống, HTX cũng "kiêm” dịch vụ bao tiêu nông sản chế biến xuất khẩu với các sản phẩm chính là cà chua bi và dưa chuột bao tử trung bình đạt trên 100 tấn/năm. Đặc biệt đầu năm 2013, HTX còn xây dựng thành công mô hình trồng muồng trâu làm dược liệu xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng diện tích gần 5ha.... Nhờ những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, năm 2013, doanh thu của HTX ước đạt gần 9 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2012, tạo việc làm với thu nhập 2,5 triệu đồng/xã viên/tháng.
Cùng với các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thì các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đã có bước phát triển ổn định, đảm bảo thu nhập cho đời sống xã viên, người lao động. Hợp tác xã cơ khí Lạng Giang (thị trấn Vôi huyện Lạng Giang) là một trong những điển hình. Được thành lập hơn 50 năm, tồn tại phát triển là bằng ấy năm HTX thủy chung với thị trường máy cơ khí phục vụ sản xuất, đời sống trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay, HTX cơ khí Lạng Giang vẫn kiên định sản xuất và cung ứng cho bà con nông dân những nông cụ như máy bơm nước, máy công tác cày bừa, máy tẽ ngô, bóc lạc, sấy vải…sửa chữa, đóng thành ô tô, sản xuất lắp đặt khung nhà thép…những sản phẩm này đã trở thành truyền thống, thương hiệu của HTX nhiều năm nay. Trong lúc nguồn vốn vay với lãi suất cao, sức mua giảm, HTX lấy việc lựa chọn những đơn hàng vừa sức mình và khả thi là bí quyết để tồn tại và phát triển. Hợp tác xã cơ khí Lạng Giang là một trong những đơn vị được Quỹc hỗ trợ kinh tế tập thể- Liên minh hợp tác xã tỉnh Bắc Giang hỗ trợ nguồn vốn 500 triệu đồng; nguồn quỹ khuyến công của tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng đã góp phần để hợp tác xã đầu tư cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay hợp tác xã vừa hoàn thiện đưa vào sử dụng khu cẩu trục để sản xuất chế tạo các chi tiết có trọng tải lớn với tổng kinh phí đầu tư 500 triệu đồng góp phần giúp đơn vị nâng cao khả năng cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh đồng thời duy trì việc làm ổn định cho 50 xã viên hợp tác xã với thu nhập bình quân đạt 3,5 triệu đồng nguời/tháng.
 
Mặc dù do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế song hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tích cực khắc phục khó khăn duy trì sản xuất ổn định. Tuy nhiên số lượng HTX trong tỉnh được thành lập nhiều song chất lượng hoạt động ở nhiều đơn vị còn hạn chế về quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao; năng lực hoạt đôịng của các HTX không đồng đều... chính vì vậy, Liên minh HTX tỉnh cần vươn lên mạnh mẽ, thực hiện đổi mới, thật sự phát huy tinh thần chủ động cũng như vai trò, vị trí của mình, sớm đề xuất các chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh của các thành viên; vận dụng có hiệu quả các chế độ, chính sách để phát triển KTTT; tập trung làm tốt công tác tư vấn thành lập HTX, tích cực vận động các tổ kinh tế hợp tác, HTX tham gia Liên minh… nhằm thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tạo mối liên doanh liên kết giữa các thành viên. Phát huy tốt hơn nữa vai trò "cầu nối”; chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đa dạng, HTX đa ngành nghề; phấn đấu trong thời gian tới kinh tế hợp tác, HTX vươn lên trở thành lực lượng chủ yếu thực hiện các chương trình phát triển KT-XH của địa phương./.
 
Nguyễn Tươi (t/h)