Sinh năm 1947, tại Thanh Ba, Phú Thọ, tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Hà Nội, ông làm công tác giảng dạy trong quân đội 5 năm thuộc Tổng cục Hậu cần rồi giảng dạy nhiều trường nghề ở miền Bắc, đào tạo kiến thức cơ bản về động lực ô tô cho hàng trăm công nhân kỹ thuật phục vụ đất nước trong thời kỳ đầy khó khăn.
Sau hơn 23 năm công tác giảng dạy, do sức khoẻ có phần suy giảm, trở về quê hương ông nhận thấy một thực tế rằng: Ở vùng nông thôn, bếp gas là đồ dùng xa xỉ với nhiều hộ gia đình, cùng với việc điện cắt thường, tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt. Những suy tư, trăn trở cùng sự đam mê khoa học của một thầy giáo, ông đã biến suy nghĩ thành hành động.
Ông Lê Hồng giới thiệu sản phẩm bếp TK90 với phóng viên báo Môi Trường
Tâm sự với chúng tôi về quá trình thai nghén bếp siêu tiết kiệm, ông cho biết: “Hồi đó nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường gặp muôn vàn khó khăn, lương thực và chất đốt là vấn đề lớn. Quãng thời gian về nghỉ hưu tôi toàn nấu rượu nuôi lợn để trang trải thu nhập gia đình và nuôi các con ăn học. Cũng từ suy nghĩ làm sao cho tiết kiệm, tôi đã chế ra bếp TK90”.
Bếp TK 90 của ông Hồng được sản xuất trên cơ sở những lí thuyết nhiệt của động cơ đốt trong, hiệu suất nhiệt của bếp cao hơn 40% bếp thông thường; quy trình sản xuất bằng công nghệ nguội không gây hại môi trường; nguyên liệu là đất được khai thác tại chỗ; nhân lực sản xuất tại gia đình, do vậy giá thành phù hợp với thu nhập của người nghèo. Khoảng 80.000 – 300.000đ/ thời gian sử dụng 5 – 7 năm (giá thời điểm hiện tại) rất phù hợp với người lao động nghèo. Đặc biệt là nông dân và những người bán hàng quán.
Hiệu suất nhiệt của Bếp TK90 đạt từ 34-36%, Bếp kiềng đạt 11-13%. Bếp tiết kiệm từ 60 – 70% chất đốt so với bếp kiềng. Khi đun nấu không nóng, ít khói bụi, thời gian đun nấu nhanh, độ bền của bếp TK90 trung bình từ 4 – 7 năm. Bếp TK90 có nhiều kiểu dáng và kích thước khác nhau đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Công nghệ chế tạo Bếp TK90 hoàn toàn sạch và thân thiện với môi trường.
Khi sản phẩm mới được “tung” ra thị trường, do gặp phải những lỗi không đáng có khiến chất lượng không được như ý. Đích thân ông đến từng gia đình xin lỗi và tìm cách khắc phục. Trên tinh thần cầu tiến, thừa nhận những khuyết điểm và sự gần gũi, biết lắng nghe với bà con nông dân thì sau nhiều lần cải tiến, bếp TK – 90 nhỏ gọn, chất lượng và tiện lợi hơn nhiều. Cứ như thế sản phẩm nhận được sự tin dùng của bà con nơi đây.
Hướng tới sự tiện ích cho người sử dụng, sau 5 lần cải tiến bếp TK90 có mặt trên thị trường với 2 loại: Bếp xây cố định phục vụ cán bộ công nhân viên và nông dân, sử dụng chất đốt là thực vật; nhiều kích thước, kiểu dáng phù hợp với nhu cầu nấu ăn, chăn nuôi hay nấu rượu,… của từng gia đình. Với bếp di động, tính năng nổi bật là cơ động, với chất đốt là củi, đặc biệt thích hợp cho người bán hàng ngoài chợ.
Đơn giản như tên bà con nông dân gọi ông, Bếp TK-90 là viết tắt của Tiết Kiệm – năm 1990 chính thức ra đời khi ông tham gia cuộc thi Tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm lương thực trong sinh hoạt. Hầu hết bếp nấu ăn ở các trường mầm non trên địa bàn huyện Thanh Ba, bếp nấu ăn của UBND huyện, công an huyện, huyện đội Cẩm Khê…..đều thuộc “sở hữu trí tuệ” của ông. Với bếp TK90 loại xây dựng cố định dùng cho tập thể sẽ phát huy được hiệu quả tối đa về đảm bảo sức khoẻ cho người nội trợ, tiết kiệm chất đốt, an toàn ,dễ sử dụng, thân thiện với môi trường.
Ông cho biết: “Cách đây khoảng 3 tháng có 2 người phụ nữ nghèo ở xã Đông Lâm cách Thị trấn Thanh Ba khoảng 40km đùm cơm nắm, đạp chiếc xe cọc cạch đến nhà ông mua bếp. Thấy thương quá, quý quá tấm lòng của họ tôi không đành nhận tiền, nhưng người nghèo họ tự trọng lắm họ không nhận không cái gì. Nghĩ vậy tôi thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa.. Sống là cho, đâu chỉ nhận của riêng mình”.
Mới đây, ông còn sáng chế ra lò đốt rác liên hoàn, đốt được các loại rác sinh hoạt (trừ gốm, kim loại, thuỷ tinh) phù hợp với các hộ gia đình, cơ quan, trường học tại nông thôn.
Hơn 20 năm qua, để đưa sản phẩm của mình đến gần với bà con, đặc biệt là bà con nghèo, ở các vùng nông thôn xa xôi, ông đã không ngừng cải tiến sản phẩm sao cho tiện lợi nhất. Và đặc biệt là tham gia các dự án xóa đói giảm nghèo, mang công nghệ làm bếp chuyển giao đến các địa phương trong cả nước. Khi tuổi tác ngày càng cao, không còn sung sức như trước, ông động viên thuyết phục cậu con trai út (tốt nghiệp Học viện Tài chính Ngân hàng) đưa bếp TK90 đến những vùng sâu vùng xa, tận tay bà con nghèo.
Trở về từ Lễ tuyên dương ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Tôi mong muốn vay vốn ngân hàng với lãi xuất thấp để mở rộng cơ sở sản xuất, để Bếp TK 90 có thể đến được với đông đảo bà con nghèo trên cả nước”. Hiện tại cơ sở sản xuất bếp của ông chỉ với quy mô gia đình.Hiện khách hàng đến nhà mua bếp của ông vì tín nhiệm./.
Nguyễn Tươi
Tin liên quan: